Kiểm soát tiền nhà nước nhìn từ vụ án OceanBank
PetroVietnam là cổ đông tổ chức lớn nhất, sở hữu 20% cổ phần OceanBank. Tỷ lệ 20% không đổi cho đến ngày OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: T.L |
Tuy nhiên khi đã có đủ điều kiện tìm hiểu kỹ và nhìn ra bức tranh nợ xấu cũng như vấn đề thanh khoản của ngân hàng này lúc bấy giờ, ông Thắm đã tìm cách chuyển nhượng lại những gì đã mua. Với sự liên quan của ông Thắm, OceanBank đã cho công ty con của ông Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng mà không có đủ tài sản thế chấp tương ứng. Sở hữu chéo một lần nữa trở thành một trong những tâm điểm của các vụ án liên quan đến một số tổ chức tín dụng hiện nay.
Ngày 27-2-2017, Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước” tại OceanBank với sự triệu tập số lượng đương sự lớn nhất từ trước đến nay, gần 600 người.
Có hai điểm nhấn nổi lên ở vụ án OceanBank theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thứ nhất OceanBank cho vay trái quy định, không có tài sản thế chấp, không sử dụng vốn vay đúng mục đích. Thứ hai những bị can và ông Hà Văn Thắm cố ý làm trái quy định nhà nước trong một thời gian dài, cụ thể là chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho khách hàng, làm thiệt hại của OceanBank gần 2.000 tỉ đồng.
Vào những năm 2010-2012, do thanh khoản khó khăn trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng rất cao, hầu hết áp dụng mức trần quy định thời điểm bấy giờ 14%/năm. Một số ngân hàng nhỏ phát triển tín dụng “nóng” đã lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng và buộc phải tìm cách huy động vốn dưới nhiều hình thức để có nguồn sau trả cho các khoản tiền gửi đáo hạn. OceanBank khi ấy không thuộc dạng “ăn đong từng bữa” về thanh khoản, nhưng ông Hà Văn Thắm và các đồng phạm nhìn thấy một đường huy động vốn từ một doanh nghiệp tầm cỡ tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) và họ đã vượt rào sai quy định.
Chênh lệch lãi suất mà OceanBank đã trả lên tới hàng ngàn tỉ đồng, tính ra tổng số tiền gốc mà các doanh nghiệp của PetroVietnam gửi vào OceanBank phải ở mức hàng chục ngàn tỉ đồng. Một khoản tiền rất lớn đã được dùng để kiếm lời mà không có một sự kiểm soát nào! |
PetroVietnam và các tổng công ty trực thuộc có doanh thu rất lớn cả bằng tiền đồng và ngoại tệ. Sự luân chuyển vốn, dòng tiền vào/ra của tập đoàn là con số hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng/năm. Lẽ dĩ nhiên tiền vào, tiền ra của PetroVietnam tập trung giao dịch ở những ngân hàng hàng đầu trong nước và quốc tế. Thường các ngân hàng này được hưởng lợi từ những khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp của PetroVietnam. Bù lại các ngân hàng cung cấp cho PetroVietnam những gói dịch vụ nhiều loại với mức phí mà có lẽ chỉ tập đoàn mới có được.
OceanBank là ngân hàng cổ phần nhỏ, uy tín cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ thanh toán quốc tế, không thể sánh ngang các ngân hàng dẫn đầu. Bình thường PetroVietnam sẽ không chọn OceanBank làm nơi gửi tiền hay thanh toán, cung ứng giao dịch ngoại tệ. Vậy việc PetroVietnam gửi tiền vào
OceanBank bắt nguồn từ đâu?
Hãy nhìn sâu hơn vào cơ cấu cổ đông của OceanBank. PetroVietnam là cổ đông tổ chức lớn nhất, sở hữu 20% cổ phần OceanBank. Tỷ lệ 20% không đổi cho đến ngày OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Tại thời điểm bị mua 0 đồng, vốn điều lệ của OceanBank 4.000 tỉ đồng đã mất hết, tức 800 tỉ đồng mà PetroVietnam bỏ vào OceanBank đã tan thành mây khói. Với các tổ chức tư nhân hay cá nhân, đầu tư lời ăn lỗ chịu, họ nếu có lỗ lã, họ mất tiền túi của họ. PetroVietnam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, PetroVietnam mất tiền góp vào OceanBank là mất tiền của Nhà nước!
Trở lại với việc gửi tiền ở OceanBank, nếu PetroVietnam rạch ròi hoạt động kinh doanh cốt lõi và hoạt động đầu tư, thì OceanBank cũng chẳng có ngách nào tiếp cận những khoản tiền gửi lớn của các tổng công ty của tập đoàn. Nhưng PetroVietnam với tư cách cổ đông lớn đã cử đại diện vào hội đồng quản trị và đảm đương chức vụ tổng giám đốc, rồi sau là phó tổng giám đốc OceanBank. Ông Hà Văn Thắm và các vị đại diện được cử sang này đã “hợp tác” để các doanh nghiệp trực thuộc PetroVietnam gửi tiền vào
OceanBank với lãi suất cao hơn trên hợp đồng. Phần lãi suất chênh lệch tất nhiên OceanBank phải trả và ngân hàng chịu thiệt hại.
Chênh lệch lãi suất mà OceanBank đã trả lên tới hàng ngàn tỉ đồng, tính ra tổng số tiền gốc mà các doanh nghiệp của PetroVietnam gửi vào OceanBank phải ở mức hàng chục ngàn tỉ đồng. Người ta đã sử dụng hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước để kiếm lời mà không có một sự kiểm soát nào! Đây mới là một trong những bài học đắt giá cần rút ra từ vụ án OceanBank.
Thứ nữa việc sử dụng hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước không được kiểm soát ấy đã góp phần đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Sai phạm và trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm đã rõ ràng, song vẫn còn đó trách nhiệm và hậu quả mà PetroVietnam đã gây ra.