|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm soát lượng khách để bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

21:09 | 19/04/2019
Chia sẻ
Ngày 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Theo đó, diện tích quy hoạch khoảng 5,5 ha gồm khu Nội tự, Vườn Giám, Hồ Văn. Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ là nơi giới thiệu và tôn vinh nền giáo dục Việt Nam gắn với các danh nhân, trí thức tiêu biểu của đất nước; giáo dục thế hệ trẻ truyền thống hiếu học của cha ông.

Kiểm soát lượng khách để bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh 1.

Cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Để lập quy hoạch, Thủ tướng giao các cơ quan khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất ở di tích, cơ sở hạ tầng, kiến trúc công trình, các dự án bảo tồn, hiệu quả hoạt động du lịch... Đặc biệt, cần nghiên cứu kiến trúc mặt phố xung quanh như Nguyễn Thái học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng... để xây dựng các công trình trong Văn Miếu phù hợp. Chỉ rõ những nguy cơ xung đột giữa phát triển đô thị và bảo tồn di tích.Đồng thời, di tích này được định hướng phát triển loại hình dịch vụ du lịch - văn hoá, kết nối vào chuỗi các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý phải kiểm soát và điều tiết lượng khách để không ảnh hưởng tới bảo tồn di tích.

Quy hoạch sẽ bao gồm các dự án thành phần như giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới; bảo tồn, tu bổ, phục hồi các kiến trúc gốc; xây dựng công trình phụ trợ; bảo tồn, phát huy gía trị tư liệu; phát triển du lịch...

Thủ tướng giao TP Hà Nội bố trí nguồn vốn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt đồ án quy hoạch Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 đời Lý Thánh Tông. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, thu nhận con thường dân có thành tích xuất sắc.

Đời Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa.

Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám - cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.


PV