|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Du lịch Đà Nẵng: Lo rủi ro khi phụ thuộc nguồn khách Trung, Hàn

07:02 | 18/04/2019
Chia sẻ
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, việc lệ thuộc vào hai thị trường Trung, Hàn có thể dẫn đến rủi ro đối với sự phát triển của ngành du lịch TP này. Bởi Trung Quốc là thị trường có sự ổn định không cao, còn Hàn Quốc có xu hướng du lịch theo phong trào!

Hai thị trường khách quốc tế trọng điểm hiện nay của du lịch Đà Nẵng

Như tin đã đưa, cùng với sự phát triển mạng lưới đường bay quốc tế và thu hút du lịch tàu biển, thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. So với năm 2010, khách quốc tế đến Đà Nẵng từ 370.000 lượt đã tăng lên 2,875 triệu lượt, tức gấp 7,8 lần vào năm 2018; quý 1/2019 ước đạt 876,5 nghìn lượt, tiếp tục tăng 31,2% so với cùng kỳ 2018.

Du lịch Đà Nẵng: Lo rủi ro khi phụ thuộc nguồn khách Trung, Hàn - Ảnh 1.

Du khách Hàn Quốc tham quan chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Đà Nẵng) - Ảnh: HC

Tuy nhiên, nguồn khách quốc tế đến Đà Nẵng đang có sự phụ thuộc lớn vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Cụ thể, năm 2017 chỉ 2 thị trường này đã chiếm hơn 64%, năm 2018 chiếm hơn 82%. Và quý 1/2019, thị trường Hàn Quốc đạt 439.507 lượt (tăng 21,66% so cùng kỳ 2018), Trung Quốc 161.919 lượt (tăng 7,8%), tiếp đó mới là Nhật 59.901 lượt (tăng 35,7%), Mỹ 34.305 lượt (tăng 10,4%), Thái Lan 23.154 lượt (tăng 22,7%), Malaysia 17.251 lượt (tăng 57,9%)…

Đáng chú ý, từ năm 2013, khách Hàn Quốc tăng trưởng đột phá, với mức tăng gấp đôi theo từng năm và gấp 30 lần (từ 55.000 lượt năm 2013 lên hơn 1.600.000 lượt năm 2018), vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia dẫn đầu lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch. Chỉ riêng quý 1/2019, đã có hơn 439.607 lượt khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, tiếp tục tăng 21,66% so cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 52% tổng số khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng. Trong đó, 30% khách đi theo đoàn và 70% khách đi lẻ.

“Khách lẻ ngày càng tăng do công dân Hàn Quốc được miễn thị thực Việt Nam, với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày. Số đường bay Hàn Quốc – Đà Nẵng ngày càng tăng, du khách Hàn Quốc cũng dễ dàng tìm kiếm thông tin trên các phương tiện truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng bằng tiếng Hàn.

Sự bùng nổ của thị trường Hàn Quốc khẳng định, vai trò quan trọng của kết nối đường bay và mức độ quảng bá điểm đến mới tập trung, chuyên sâu của hàng không và lữ hành Hàn Quốc!” – Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, khách Trung Quốc đến Đà Nẵng quý I/2019 đạt 161.919 lượt, tăng nhẹ 7,8% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó 90% khách đi theo đoàn và 10% khách đi lẻ, hầu hết đều đi theo tour giá rẻ. Bên cạnh lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không (với tần suất 74 chuyến/tuần), thì lượng lớn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng bằng đường biển. Dự kiến, thời gian tới khách Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng nhẹ và khách đi theo đoàn vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Mặc dù vậy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh vẫn tỏ ra lo lắng. “Hàn Quốc và Trung Quốc hiện là hai thị trường trọng điểm của du lịch Đà Nẵng, chiếm tỉ trọng >50% liên tục 5 năm qua. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào hai thị trường Trung, Hàn cũng có thể dẫn đến rủi ro đối với sự phát triển của ngành du lịch TP!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.

Đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro bị lệ thuộc

Giải thích về việc sự lệ thuộc vào hai thị trường Trung, Hàn có thể dẫn đến rủi ro đối với du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh chỉ rõ: "Trung Quốc là thị trường có sự ổn định không cao do các biến động chính trị. Thêm vào đó, hiệu quả khai thác khách Trung Quốc chưa cao, vì chưa kiểm soát tốt tour giá rẻ và việc thanh toán dịch vụ bằng Wechat, không dùng tiền mặt của khách Trung có thể gây thất thu thuế.

Trong khi đó, Hàn Quốc có xu hướng du lịch theo phong trào nên sự thoái trào của khách Hàn đến Đà Nẵng được dự đoán có thể xảy ra trong 3 năm tới. Thời gian gần đây, cũng do bất đồng nên một bộ phận khách Hàn Quốc chuyển hướng đến Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi trong tương lai cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng khách Hàn đến Việt Nam. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có thể bị cạnh tranh về khách Hàn bởi các điểm đến khác như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt...".

Một dẫn chứng được Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đưa ra là trong quý 1/2019, lượng khách Hàn Quốc đến Nha Trang tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm 2018, từ hơn 3.000 lượt lên hơn 30.000 lượt. Hiện có 5 hãng hàng không khai thác đường bay từ Hàn Quốc sang Nha Trang, trong đó có 2 hãng của Việt Nam và 3 hãng của Hàn Quốc. Dự kiến trong thời gian tới, lượng khách Hàn Quốc đến Nha Trang sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Trước tình hình này, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan triển khai thực hiện Kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019 – 2021 đã được lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương triển khai tại Thông báo 234/VP-KGVX (ngày 23/01/2019) của Văn phòng UBND TP.

Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm đa dạng hóa thị trường khách quốc tế bằng việc đẩy mạnh thu hút các thị trường trong top 10, để giảm nguy cơ phụ thuộc vào thị trường Trung – Hàn. Trong đó ngành du lịch Đà Nẵng đề ra cơ cấu thị trường khách quốc tế đến TP năm 2021 cụ thể như sau:

Du lịch Đà Nẵng: Lo rủi ro khi phụ thuộc nguồn khách Trung, Hàn - Ảnh 2.

Cùng với hoạt động xúc tiến du lịch các thị trường quốc tế trọng điểm gồm Đông Bắc Á (Trung, Hàn, Nhật) và Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia), trong quá trình thực hiện kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế, Đà Nẵng cũng sẽ phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch phục vụ khách Hồi giáo. Cụ thể, Đà Nẵng đang xác định tình hình tăng trưởng khách du lịch Hồi giáo giai đoạn 2019 – 2021, đặc biệt là từ Trung Đông và Qatar thông qua chuyến bay trực tiếp để qua đó có hướng thu hút nhóm du khách này.

Hải Châu