KIDO nhảy vào ngành hàng gia vị với thương hiệu Tường An
Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) mới đây đã đưa ra thông báo sẽ đưa các sản phẩm nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook ra thị trường từ ngày 25/12, ngay sau chiến lược thâu tóm công ty bánh bao Thọ Phát trước đó.
Động thái này chính thức đưa KIDO nhảy vào ngành hàng thực phẩm gia vị, cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp hàng đầu trong cùng lĩnh vực như Masan, Ajinomoto, Vina Aroma, Cholimex, Nestle... Tập đoàn này đã giới thiệu 4 mẫu sản phẩm (SKUs) ban đầu gồm nước 2 sản phẩm mắm cá cơm và 2 loại hạt nêm.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Euromonitor International, quy mô ngành hàng gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt hơn 35.700 tỷ đồng (riêng mặt hàng nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô trên 15.200 tỷ đồng). Tổ chức này cũng dự báo ngành hàng gia vị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên hơn 40.800 tỷ vào năm 2026.
Trong thói quen của người Việt Nam, gia vị là sản phẩm gần như không thể thiếu trong chế biến thức ăn. Với thị trường gần 100 triệu dân, các đơn vị phân tích đánh giá gia vị là một ngành hàng đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển.
“Ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng của KIDO trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu" Phó chủ tịch HĐQT Trần Lệ Nguyên nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp nói thêm sẽ sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập thị trường trong giai đoạn ra mắt này. Công ty cũng có lợi thế về đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán, đại, nền tảng thương mại điện tử...
Trước đó trong kỳ họp Đại hội đồng thường niên 2023, tập đoàn này định hướng sẽ tách các hoạt động thành 4 nhóm ngành chủ lực; trong đó nước chấm là ngành hàng mới bên cạnh các mảng chủ lực dầu ăn, kem, bánh kẹo.
Thời điểm tháng 2, Hội đồng quản trị KIDO thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm và Gia vị TA với ngành nghề chính là chế biến và bảo quản nước mắm. KIDO sẽ là công ty mẹ nắm giữ 98% cổ phần trên mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng.