|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thương hiệu dầu ăn 47 tuổi sắp huỷ đại chúng: KIDO dự kiến kiểm soát 100%, mục tiêu chiếm 30% thị phần

15:47 | 27/11/2023
Chia sẻ
Phần lớn nguồn thu của Vocarimex đến từ việc cung cấp dầu nguyên liệu cho các đơn vị trong hệ sinh thái và các khách hàng công nghiệp. Đây cũng là lợi thế chủ lực của tổng công ty hướng đến mục tiêu phục vụ 30% thị trường tiêu thụ dầu ăn.

Ảnh minh họa: Vocarimex.

Mới đây, Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex – Mã: VOC) vừa có thông báo triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 12/12 để trình về việc hủy đăng ký công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM và phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông.

Sau khi hoàn tất thủ tục hủy đăng ký giao dịch chứng khoán, Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) cam kết sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu VOC mà các cổ đông còn lại đang nắm giữ nếu cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định là do theo Luật Chứng khoán, “Công ty đại chúng là công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ”.

Thực tế danh sách cổ đông ngày 15/11 do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cung cấp, hai cổ đông lớn của Vocarimex đang nắm giữ hơn 112,5 triệu cổ phiếu, tương đương 92,44% vốn điều lệ. Trong đó, Tập đoàn KIDO nắm 87,3% và CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sở hữu 5,14% cổ phần.

Vì vậy, Vocarimex không đủ điều kiện làm công ty đại chúng.

Thông thường, việc tự chủ động hủy công ty đại chúng và hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu thường xảy ra tại các công ty bị M&A, khi đại đa số cổ phần gần như thuộc về một công ty mẹ (công ty thâu tóm).

Ban đầu, công ty muốn trở thành công ty đại chúng sau khi đáp ứng ba điều kiện, thứ nhất là thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; thứ hai là cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; và cuối cùng là cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Nếu thành công và trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, đi kèm với việc trở thành công ty đại chúng là phải báo cáo công khai hoạt động. Khi phát hành cổ phiếu ra công chúng, công ty phải tuân thủ các quy định về báo cáo, kiểm toán và công bố thông tin. Hay công ty sẽ phải chịu nhiều chi phí như chi phí thuê hãng kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí bảo lãnh phát hành,…

Hành trình kinh doanh hơn nửa thế kỷ của Vocarimex

Vocarimex được thành lập từ 1976 tiền thân là Công ty Dầu thực vật miền Nam, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dầu thực vật. Hiện nay, tổng công đã phát triển được trên 50 dòng sản phẩm dầu ăn, hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm - hóa mỹ phẩm và hàng chục sản phẩm bao bì phục vụ các ngành thực phẩm, nước giải khát.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư và khai thác Cảng Nhà Bè tại quận 7, TP HCM với diện tích 7 ha, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT và 20.000 DWT.

Tháng 7/2014, Vocarimex chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng gần 38 triệu đơn vị. Giá khởi điểm 11.300 đồng/cp.

Theo kết quả đấu giá, toàn bộ số chứng khoán trên bán hết cho 139 nhà đầu tư, doanh nghiệp thu về gần 509 tỷ đồng. Giá đặt cao nhất trong phiên lên tới 30.000 đồng/cp.

Sau đợt đấu giá, vốn điều lệ của Vocarimex đạt 1.218 tỷ đồng, 36% trong số này là sở hữu Nhà nước. Hai cổ đông chiến lược là CTCP Kinh Đô (tên cũ của Tập đoàn KIDO) và Chứng khoán VPBank lần lượt nắm 24% và 8%.

Việc tham gia mua cổ phần của Vocarimex nói trên cũng chính là thời điểm đánh dấu KIDO nhảy vào mảng dầu ăn – bên cạnh mảng bánh kẹo và ngành lạnh. Sau khi bán mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mỹ, KIDO dồn lực cho mảng dầu ăn thông qua việc dần tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51% vào năm 2017 và tiếp tục mua thêm 36,3% vốn từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) trong lần đấu giá thoái vốn thứ tư tổ chức vào tháng 11/2021.

Bên cạnh sở hữu nhà máy với công suất sản xuất 130.000 tấn dầu tinh luyện các loại, 120.000 tấn dầu thành phẩm và 4.000 tấn/năm dầu mè, điểm hấp dẫn của Vocarimex còn đến từ danh mục các công ty dầu ăn liên kết.

Trong đó, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) đang là đơn vị đứng đầu ngành dầu ăn với loạt thương hiệu nổi tiếng như Neptune, Simply, Meizan,… Tuy nhiên đầu năm 2023, Vocarimex đã bán toàn bộ 24% đang sở hữu tại Calofic và thu về 2.000 tỷ đồng. Còn CTCP Dầu thực vật Tường An hiện xếp thứ hai toàn thị trường ngành dầu và đang thống lĩnh tại thị trường miền Nam.

Các công ty liên kết của Vocarimex tại cuối năm 2022 (trong đó riêng Dầu Thực vật Cái Lân đã được chuyển nhượng lại toàn bộ cho đối tác đầu năm 2023 và chính thức không còn thuộc Vocarimex). (Nguồn: Báo cáo thường niên 2022).

Hầu hết nguồn thu của Vocarimex đến từ cung cấp dầu nguyên liệu cho các đơn vị trong hệ sinh thái và các khách hàng công nghiệp.

Riêng năm 2022, việc bán hàng hóa đóng góp 77% cho tổng doanh thu công ty với 1.247 tỷ đồng, trong khi việc kinh doanh các thành phẩm (dầu ăn thương hiệu của Vocarimex) đem về 362 tỷ, tương đương 22%.

Với việc bán sỉ cho các công ty thành viên, “đây chính là lợi thế chủ lực của Vocarimex hướng đến mục tiêu phục vụ 30% thị trường tiêu thụ dầu ăn”, báo cáo thường niên 2022 của Vocarimex ghi.

Về tình hình kinh doanh, do đặc thù, kết quả của công ty phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND do hầu hết nguồn đầu vào là nhập khẩu. Công ty cho biết, giá vốn hàng bán chiếm khoảng 90% doanh thu mỗi năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Thống kê cho thấy, sau khi IPO vào giữa năm 2014, doanh thu của Vocarimex bắt đầu rơi khỏi mốc 4.500 tỷ đồng về 2.548 tỷ đồng năm 2019 và tiếp tục rơi xuống 1.613 tỷ đồng năm 2022. Giai đoạn này, giá dầu cọ đầu vào lại tăng dựng đứng, đỉnh điểm vào năm 2022. Điều này đã khiến Vocarimex kinh doanh dưới giá vốn và lần đầu báo lỗ kể từ khi trở thành công ty đại chúng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Vocarimex ghi nhận 754 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26% so với cùng kỳ. Nhờ kết quả lợi nhuận đột biến trong quý I khi chuyển nhượng cổ phần của Calofic, nên lũy kế ba quý, lợi nhuận sau thuế đạt 1.199 tỷ đồng, gấp 14,6 lần cùng kỳ. Con số này còn lớn hơn cả tổng lợi nhuận trong 5 năm gần nhất của Vocarimex cộng lại. Nhờ vậy công ty đã vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Diễn biến giá dầu cọ kể từ năm 2014 đến nay. (Nguồn: Investing).

Minh Hằng