Một công ty vừa huỷ tư cách đại chúng: Doanh thu từng trên nghìn tỷ mỗi năm, sở hữu nơi check-in nổi tiếng Đà Lạt
CTCP Sài Gòn Hỏa Xa (Mã: SHX) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc hủy tư cách công ty đại chúng kể từ ngày 7/9.
Vấn đề này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 trước đó thông qua. Giải trình về lý do huỷ niêm yết, Sài Gòn Hỏa Xa cho biết số lượng cổ phiếu của công ty không nhiều so với các công ty khác trên sàn, có rất ít giao dịch và thanh khoản cổ phiếu trong mỗi phiên cũng rất nhỏ trong những năm qua. Giá cổ phiếu SHX giữ nguyên mốc 1.800 đồng/cp từ đầu tháng 2 đến nay.
Sài Gòn Hỏa Xa trước đây là Công ty Phục vụ Đường sắt Sài Gòn, được thành lập từ năm 1976 và trụ sở hiện tại đặt tại 275C Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM (cạnh công viên 23/9). Ngày 5/10/2015, công ty chính thức trở thành công ty đại chúng. Công ty đưa cổ phiếu SHX giao dịch lần đầu trên UPCoM vào tháng 10/2016.
Sài Gòn Hỏa Xa hoạt động trong lĩnh vực kinh thuốc lá, nhà hàng, khách sạn, cung cấp các dịch vụ du lịch lữ hành, vận tải hàng hóa và đầu tư bất động sản.
Vốn điều lệ của công ty giữ nguyên 17,2 tỷ đồng kể từ khi giao dịch trên UPCoM đến nay. Cổ đông lớn nhất của công ty là bà Trần Thiên Kim, Thành viên Hội đồng quản trị khi nắm 31,52% vốn điều lệ.
Nguồn thu chính từ bán thuốc lá điếu, ba năm liền thua lỗ
Về tình hình kinh doanh, từ năm 2018 trở đi, doanh thu của Sài Gòn Hỏa Xa sụt giảm mạnh về dưới mốc 200 tỷ đồng, so với mức gần 1.000 tỷ được thiết lập năm trước đó.
Trong cơ cấu doanh thu của Sài Gòn Hỏa Xa, mảng bán hàng hóa (thuốc lá điếu) đóng góp tỷ trọng đến 85% - 90% mỗi năm cho công ty, số ít còn lại đến từ mảng cung cấp dịch vụ và đầu tư bất động sản. Từ năm 2018, nguồn thu mảng bán thuốc lá tuột dốc do nhà cung cấp Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn cắt giảm mạnh sản lượng và thay đổi chính sách phân phối.
Trong 10 năm qua, Sài Gòn Hỏa Xa chỉ lãi trung bình vài tỷ đồng/năm, riêng ba năm gần nhất 2020 – 2022, công ty liên tiếp thua lỗ. Tổng mức lỗ lũy kế tính đến hết 2022 của Sài Gòn Hỏa Xa gần 22 tỷ, khiến vốn chủ sở hữu còn 8 tỷ. Sang năm 2023, công ty kỳ vọng doanh thu đạt 21,2 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 2,9 tỷ.
Tính đến cuối 2022, tổng tài sản của Sài Gòn Hỏa Xa trên 43 tỷ đồng, trong đó chiếm 47% là các khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu là thu khách hàng Doanh nghiệp Tư nhân Tiến Đạt). Lượng tiền, tương đương tiền chỉ 3 tỷ đồng, số còn lại là tài sản cố định, hàng tồn kho,...
Phần lớn nợ phải trả của công ty nằm ở mục phải trả dài hạn khác, hơn 25 tỷ đồng. Tại cuối năm 2022, công ty đi vay dài hạn hơn 4 tỷ, hầu như là từ CTCP Hải Vân Nam.
Tại ngày 31/12/2022, Sài Gòn Hỏa Xa có 12 đơn vị trực thuộc, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, dịch vụ vận tải. Tuy nhiên 5 trong số đó đã giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. 7 đơn vị còn lại là các khách sạn tại các tỉnh, thành như TP HCM, Nha Trang, Ninh Thuận. Theo thuyết minh, các khu đất này được thuê với giá thấp nhất là 4.400 đồng/m2/năm (Ninh Thuận) và cao nhất 2,8 triệu đồng/m2/năm (quận 1, TP HCM).
Trong đó Sài Gòn Hỏa Xa có thuê khu đất địa chỉ 1 Quang Trung, TP Đà Lạt với giá chưa tới 200.000 đồng/m2/năm. Đây là nhà ga xe lửa – một công trình được xây dựng từ thời Pháp và là địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP Đà Lạt. Ngoài bán vé cho du khách tham quan, Sài Gòn Hỏa Xa còn cho thuê dịch vụ lưu trú thông qua Khách sạn Đường sắt Đà Lạt.
Ngoài những khách sạn trên, thuyết minh báo cáo tài chính năm 2022 của Sài Gòn Hoả Xa còn thể hiện công ty phải trả tiền thuê đất cho khoảng 6 địa điểm khác, cũng với giá thuê vài trăm nghìn đồng trên mỗi m2 đất.
Tại cuối 2022, Sài Gòn Hoả Xa còn sở hữu danh mục đầu tư bất động sản tại Đà Lạt, TP HCM, Nha Trang với 28 địa điểm, tổng nguyên giá gần 29 tỷ đồng, và giá trị còn lại chỉ hơn 6 tỷ.