'Vua tôm giống' sắp lên UPCoM: Biên lợi nhuận trên 50%, từng được định giá ngang ngửa Thuỷ sản Minh Phú
CTCP Thủy sản Việt Úc tiền thân là Công ty TNHH Việt Úc, được thành lập vào năm 2001 tại Bình Thuận. Năm 2015, Việt Úc chuyển mô hình hoạt động sang CTCP và trở thành công ty đại chúng vào năm 2019.
Vào ngày 29/9, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu cho Việt Úc với mã VUG.
Theo đó, công ty đăng ký giao dịch hơn 134 cổ phiếu trên UPCoM, tương đương vốn điều lệ 1.344 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp khá cô đặc. Trong đó, ông Lương Thanh Văn – Chủ tịch HĐQT Việt Úc và vợ là bà Nguyễn Kim Thùa sở hữu 52,4% vốn. Hai cổ đông lớn khác là Viet Uc Hong Kong và Lotus Asia Investments nắm lần lượt 11,39% và 7,59% vốn. Hơn 17% cổ phần nằm trong tay nhân viên công ty.
Doanh nghiệp từng có tham vọng niêm yết HOSE song vẫn chưa thực hiện được. Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022, cổ đông công ty thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Chiếm 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam
Theo giới thiệu, Việt Úc hiện nắm 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam. Công ty sở hữu 3 trung tâm di truyền và chọn giống tôm bố mẹ, có tổng công suất sản xuất tôm giống đạt 50 tỷ con/năm. Trong đó, hai giống tôm nổi tiếng của công ty là: Tôm giống công nghệ cao VUS Leader 21; Tôm giống chuyên cho độ mặn cực thấp VUS Leader 1/000.
Tính đến cuối năm ngoái, Việt Úc có 15 công ty con, 1 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi, sản xuất chế biến tôm. Các khu sản xuất tôm giống của công ty trải dài từ Bắc vào Nam. Đặc biệt ở Bạc Liêu, Bình Định và Quảng Ninh, tôm giống sẽ được nuôi thâm canh trong nhà kính.
Vào tháng 5 năm nay, nhằm hoàn thiện và khép kín quy trình sản xuất từ tôm bố mẹ, tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn cho tôm đến tôm thành phẩm, công ty đã khánh thành nhà máy chế biến thủy sản có quy mô 10 ha tại Bạc Liêu với vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Theo kỳ vọng của Việt Úc, nhà máy này sẽ ứng dụng công nghệ tự động hóa trên 70% với chuỗi sản xuất liên tục từ tiếp nhận nguyên liệu đến bao gói thành phẩm.
Từng được định giá ngang Minh Phú
Xét trong ngành tôm, Việt Úc có kết quả kinh doanh khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2022, Việt Úc ghi nhận 1.605 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với doanh thu của Camimex, Sao Ta, Minh Phú. Về lợi nhuận, Minh Phú gấp 3,7 lần Việt Úc năm uqa.
Năm nay, "vua tôm giống" đặt kế hoạch kinh doanh 1.937 tỷ đồng doanh thu tăng 12%, lợi nhuận trước thuế là 395 tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ.
Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.
Dù có lợi nhuận khiêm tốn song Thuỷ sản Việt Úc lại ghi nhận biên lợi nhuận cao vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành đang niêm yết. Năm ngoái, biên lãi gộp của công ty lên tới 56% trong khi Camimex, Sao Ta, Minh Phú chỉ dao động 11% - 17%.
Sở dĩ công ty có biên lợi nhuận gộp cao là tập trung vào sản phẩm ngách là tôm giống. Trong cơ cấu doanh thu hàng năm của Việt Úc, mảng tôm giống thường chiếm 80%, tiếp theo là tôm thương phẩm và một phần nhỏ đến từ thức ăn thuỷ sản và cá tra.
Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.
Trong giai đoạn 2019 – 2020, EPS của công ty lần lượt đạt 47.769 đồng và 29.828 đồng vì khi đó "vua tôm giống" chỉ có 10,3 triệu cổ phiếu. Song, đến năm 2022, doanh nghiệp tăng vốn gấp 13 lần làm pha loãng giá trị cổ phiếu khiến EPS giảm còn 1.638 đồng.
Trước những tiềm năng ở phân khúc ngách, Việt Úc từng được định giá khá cao. Vào năm 2018, nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc) đã mua lại 9,8% cổ phần Việt Úc với giá 764.843 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, định giá của công ty khoảng 7.400 tỷ đồng, ngang ngửa với định giá của Minh Phú (7.300 tỷ đồng) tại thời điểm đó.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2022, tổng tài sản của Việt Úc đạt 2.628 tỷ đồng tăng nhẹ so với năm trước. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 496 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.
Ngoài ra, Việt Úc còn nói không với vay nợ nhiều năm qua.
Điểm sáng xuất khẩu những tháng cuối năm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết trong tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 337 triệu USD, giảm 15% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng xuất khẩu sang các thị trường trong tháng 8 diễn biến tương tự như tháng 7, trong đó xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tiếp đà tăng trưởng dương, xuất khẩu tôm sang các thị trường nhỏ như Australia, Đài Loan, Thụy Sỹ ghi nhận tăng trưởng 3-51%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam sang như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc lại sụt giảm 32-41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo phân tích gần đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm chạm đáy, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã về đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo chuyên gia VinaCapital, thuỷ sản sẽ là một trong những ngành đóng vai trò chủ lực của hoạt động xuất khẩu. Do đó, những nhóm lĩnh vực này đang được kỳ vọng sẽ cải thiện doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cuối năm 2023 qua 2024.