|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp lực nguồn vốn trong kế hoạch mở rộng của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH)

14:29 | 28/09/2023
Chia sẻ
Với tham vọng mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang phải đối mặt với bài toán nguồn vốn nan giải. Công ty phải vay lãnh đạo để trả nợ trái phiếu và phải tiếp tục huy động vốn từ phát hành cổ phiếu để trả nợ.

TNH có trụ sở chính tại đường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Dung).

Ngày 6/1/2021, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và là doanh nghiệp bệnh viện đầu tiên niêm yết trên HOSE. Ngoài TNH, hiện trên sàn chứng khoán còn có cổ phiếu TTD của CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức giao dịch UPCoM.

Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn điều lệ của TNH đạt 518 tỷ đồng. Trong đó, KWE Beteiligungen AG nắm 10,78% vốn, ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch TNH và ông Nguyễn Văn Thuỷ - Phó Tổng Giám đốc TNH sở hữu lần lượt 9,64% và 5,65% vốn.

 Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Tham vọng mở rộng sang các tỉnh lân cận

Được thành lập vào năm 2013, TNH hiện vận hành hệ thống bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Bắc với hai bệnh viện tại Thái Nguyên: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình. 

Ban đầu doanh nghiệp chỉ có một bệnh viện trên địa bàn Thái Nguyên với 150 giường bệnh và 950 dịch vụ y tế. Sau đó, TNH mở rộng lên 2 cơ sở với tổng 600 giường bệnh và 1.300 dịch vụ y tế trong năm 2021. Đồng thời, hướng tới các dịch vụ y tế chuyên khoa về phụ sản, nhãn khoa và phẫu thuật, thủ thuật.

Tháng 10/2021, doanh nghiệp công bố đầu tư xây dựng hai bệnh viện mới là Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 165 tỷ đồng và Bệnh viện Phụ Sản TNH Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 330 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, TNH dự kiến khai trương hai bệnh viện chuyên khoa này vào năm 2023. Song, do vướng mắc trong việc xin phê duyệt địa điểm, vào quý IV/2022, TNH thông báo tạm hoãn xây dựng hai bệnh viện trong năm 2023, đồng thời giải thể CTCP Bệnh viện Mắt TNH Thái Nguyên và CTCP Bệnh viện Phụ sản TNH Thái Nguyên và thu hồi toàn bộ phần vốn góp tại đây.

Tháng 6/2023, ban lãnh đạo cho biết đã tìm được địa chỉ mới và đang xin điều chỉnh quy hoạch để tiến hành triển khai xây dựng hai bệnh viện này trong thời gian tới. Dự kiến TNH sẽ đầu tư xây dựng 100% giống như bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và bệnh viện Đa khoa Yên Bình, không thành lập công ty con để đầu tư.

TNH cũng quyết định tạm dừng việc mở rộng Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) do bệnh viện này vẫn có thể đáp ứng được công suất giường tối đa lên đến 350 - 400 giường trên tổng số 150 giường kế hoạch và ban lãnh đạo đang ưu tiên triển khai Bệnh viện Đa khoa TNH Việt Yên và TNH Lạng Sơn.

 Người dân xếp hàng, làm thủ tục vào viện tại TNH. (Ảnh: Hoàng Dung).

Đối với TNH Việt Yên (Bắc Giang), bệnh viện vẫn được triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch. TNH Việt Yên được khởi công xây dựng từ tháng 2/2023 có diện tích đất hơn 5.000 m2, tổng diện tích sàn gần 30.000 m2, quy mô 15 tầng và 300 giường. Có vị trí toạ lạc tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, TNH Việt Yên chỉ cách các KCN lớn nhất của tỉnh trong vòng 10 km.

Ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ thực hiện xong công tác xây dựng cơ bản vào cuối năm 2023, xin cấp phép hoạt động vào quý I/2024 và đưa bệnh viện vào hoạt động vào quý II/2024.

Về TNH Lạng Sơn – Giai đoạn 1, TNH dự kiến dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2024. Với quy mô 300 giường bệnh, TNH Lạng Sơn khi đi vào hoạt động sẽ là bệnh viện đa khoa tư nhân lớn nhất Lạng Sơn. TNH hiện đang xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng (tăng từ thiết kế ban đầu 5 tầng lên 15 tầng) và dự kiến khởi công sớm nhất vào năm 2023. 

Mới đây, HĐQT TNH đã thông qua việc triển khai góp vốn đầu tư thành lập CTCP Bệnh viện TNH Hà Nội. TNH Hà Nội có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó TNH góp 10%. Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT TNH là người đại diện quản lý phần vốn góp tại TNH Hà Nội. 

Gia tăng nợ vay để đầu tư các dự án

Việc TNH mở rộng các dự án, nâng cấp bệnh viện khiến doanh nghiệp phải liên tục đi vay nợ ngân hàng, thành viên HĐQT và huy động trái phiếu. Trong giai đoạn 2019 – 2022, nợ vay chiếm 31 - 41% tổng nguồn vốn của TNH. Cuối quý II/2023, dư nợ vay của TNH ở mức 542 tỷ đồng, chỉ chiếm 26% tài sản do tăng vốn điều lệ.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Có thể thấy, kể từ khi niêm yết, bài toán vốn vẫn là một vấn đề nan giải của TNH. 

Tháng 9 năm ngoái, HĐQT phải thông qua việc vay 4 lãnh đạo cấp cao 92 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu đã đến hạn trong bối cảnh hồ sơ phát hành 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu chưa được UBCKNN phê duyệt. Thời hạn vay là 12 tháng với mức lãi suất bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng BIDV.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua kế hoạch chào bán 26 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp. Với 519 tỷ đồng thu được, TNH sẽ được dùng để đầu tư TNH Việt Yên, bổ sung vốn lưu động, trả nợ vay trái phiếu đến hạn.

Tới tháng 9 năm nay, để có tiền trả nợ vay, HĐQT TNH đã thông qua việc chào bán thêm 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với số tiền dự thu tối đa 152 tỷ. Doanh nghiệp dự kiến dùng 92 tỷ đồng trả nợ 4 lãnh đạo, còn lại trả ngân hàng và bổ sung vốn lưu động.

Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 10/10/2022, TNH đã thay đổi kế hoạch trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% (5% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu) sang kế hoạch mới là trả cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% do thiếu vốn.

Tính tới cuối quý II, TNH có tổng cộng 497 tỷ đồng tiền, tương đương tiền, ghi nhận đột biến gấp 6,7 lần so với đầu năm.

TNH kinh doanh ra sao?

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2018 – 2022, doanh thu của TNH tăng trưởng đều đặn qua các năm. Trong giai COVID-19, doanh thu của TNH vẫn đi lên nhờ nhu cầu khám, chữa bệnh gia tăng. Tuy nhiên năm 2022, TNH đã đứt mạch tăng trưởng lợi nhuận.

6 tháng đầu năm nay, TNH thu về 230 tỷ đồng, lãi ròng 61 tỷ; tăng lần lượt gần 11% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 470 tỷ đồng doanh thu thuần, 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau nửa năm, TNH đã đạt 49% chỉ tiêu doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

  Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Trong báo cáo hồi tháng 8 về TNH, SSI Research cho rằng trong nửa cuối năm nay, TNH sẽ chịu nhiều áp lực khi lượt khám chữa bệnh có thể giảm do tỷ lệ thất nghiệp tại các KCN ở tỉnh Thái Nguyên đang cao và các chi phí chuẩn bị cho TNH Việt Yên. Dự báo năm nay, doanh nghiệp có thể đạt 488 tỷ đồng doanh thu, 152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 5% và 8% so với năm ngoái.

Sang năm 2024, đơn vị phân tích ước tính doanh thu của TNH đạt 535 tỷ đồng tăng 10%, lợi nhuận sau thuế khoảng 157 tỷ đồng tăng 6% so với năm trước nếu TNH Việt Yên sẽ đi vào hoạt động đúng kế hoạch. Còn về dài hạn, TNH có thể tăng trưởng mạnh hơn từ năm 2025 khi TNH Việt Yên và TNH Lạng Sơn đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch.

Trong báo cáo hồi tháng 7, Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng, khi TNH Việt Yên và TNH Lạng Sơn đi vào hoạt động, các bệnh viện này sẽ là động lực tăng trưởng của TNH trong dài hạn.

Hoàng Dung