Tập đoàn ký MOU 6,4 tỷ USD kinh doanh ra sao?
Tuần trước, CTCP Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group) thông tin về việc ký kết thỏa thuận nhận tài trợ 6,4 tỷ USD từ Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding (Australia).
Số vốn này doanh nghiệp là để dùng phát triển 4 nhà máy điện sinh khối, phát triển trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam, xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina (Mỹ) và xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina.
Để dễ hình dung, con số 6,4 tỷ USD (tương đương hơn 156.800 tỷ đồng) hơn gấp đôi tổng vốn đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi, gấp 1,8 lần số vốn đầu tư của Nhà máy VinFast tại Hải Phòng và gấp hơn 6 lần Nhà máy LEGO đang được xây dựng tại Bình Dương.
Trên sàn chứng khoán, hầu hết số dư nợ vay của các tập đoàn lớn tại cuối quý II/2023 đều dưới mốc 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 6,4 tỷ USD mà Tín Thành dự kiến vay.
Các biên bản ghi nhớ (MOU) là một thỏa thuận không ràng buộc giữa các bên nên không là một bản hợp đồng. Thực tế, nhiều trường hợp MOU đã ký nhưng dự án không được thực hiện hoặc vốn không giải ngân như cam kết.
Thông thường, các thương vụ trên 500 triệu USD của các doanh nghiệp Việt thường là các khoản cho vay hợp vốn, tức là có nhiều bên tham gia. Vì vậy, số tiền thỏa thuận vay 6,4 tỷ USD giữa một doanh nghiệp và chỉ một tổ chức quốc tế như trên là trường hợp hiếm hoi diễn ra tại Việt Nam.
Tín Thành có gì?
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Tín Thành tiền thân là Công ty TNHH Điện hơi Công nghiệp Tín Thành được thành lập năm 2009, với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Hiện tại trụ sở chính của Tín Thành đặt tại 71 đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM.
Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu góp vốn, đến tháng 11/2011, ông Trần Đình Quyền (sinh năm 1960) tiếp nhận một phần vốn góp của các cổ đông cũ để thành cổ đông lớn nhất và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).
Tại thời điểm tháng 6/2018, ông Quyền nắm giữ 74% vốn điều lệ của tập đoàn thời điểm đó, tương đương 185 tỷ đồng. Số liệu cập nhật mới nhất, vốn điều lệ của Tín Thành đã được nâng lên 432 tỷ đồng vào tháng 4/2022.
Theo giới thiệu, Tín Thành hoạt động hơn 25 năm trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án, đa số là các dự án điện sinh khối. Nói thêm, điện sinh khối là nguồn điện được tạo ra bằng cách đốt trực tiếp, nhiệt phân, khí hóa hoặc phân hủy kị khí các vật liệu có nguồn gốc sinh học như cây công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp.
Theo tìm hiểu, hầu hết các dự án chỉ đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư hoặc đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, tính đến năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 10 nhà máy điện sinh khối, lớn nhất là Nhà máy KCP Phú Yên, Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Gia Lai) với tổng mức đầu tư lần lượt là 1.300 tỷ và 1.900 tỷ đồng.
Những thương vụ M&A của Tín Thành
Tháng 9/2016, Tín Thành công bố mua lại Ngân hàng Oakwood State Bank tại bang Texas (Mỹ) - một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với lịch sử 116 năm và đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp.
Tuy nhiên tháng 12/2017, cơ quan quản lý ngân hàng bang Texas phát đi cảnh báo thông tin Tập đoàn Tín Thành mua lại ngân hàng Oakwood Bank và đổi tên thành Tin Thanh Oakwood Bank Corp là sai.
Oakwood Bank là một công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang được đảm bảo bởi ngân hàng có trụ sở tại Texas do Oakwood Bancshares sở hữu.
"Oakwood Bancshares đã mua lại Oakwood Bank vào tháng 4/2017. Không có mối quan hệ nào giữa Oakwood Bancshares và Tập đoàn Tín Thành hoặc Tín Thành Oakwood Bank Corp", cơ quan quản lý ngân hàng tại Texas khẳng định.
Vài tháng sau, Sở Thương mại bang Minnesota cũng đã ban hành lệnh phạt 35.000 USD đối với Tín Thành vì sử dụng từ "bank" một cách trái phép trong tên doanh nghiệp.
Một thương vụ khác là vào năm 2017, Tín Thành từng ngỏ ý muốn thâu tóm 55% vốn cổ phần CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Tại thời điểm đó, Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa là hơn 72.000 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD.
Kết quả, Tín Thành không thành công trong tham vọng sở hữu một trong hai công ty lọc hóa dầu của Việt Nam.
Năm 2020, tập đoàn công bố kế hoạch phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức riêng lẻ. Lãi suất là 14%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp. Mức lãi suất này nhỉnh hơn so với mức 10 – 12%/năm của các doanh nghiệp khác cũng thời điểm.
Bản công bố thông tin của công ty cho biết, mục đích phát hành trái phiếu để đầu tư dự án điện hơi công suất 15 MW và 30 tấn hơi/h.
Đối tác hợp tác là CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) – một trong ba doanh nghiệp đầu ngành săm lốp đang niêm yết trên HOSE. Trước đó, cả DRC và Tín Thành đều đã có sự hợp tác tại dự án điện mặt trời áp mái công suất 10 MW. Đồng thời, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Tín Thành đang là Thành viên HĐQT tại DRC.
Gần đây nhất, Tín Thành công bố hợp tác với King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo hợp tác xây dựng nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina, Mỹ. Lễ động thổ đã diễn ra vào tháng 3/2023.
Tập đoàn này cho biết đang bắt đầu hiện thực hóa chiến lược xây dựng dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải trên khắp nước Mỹ. "Dự kiến trong quý III/2023, nhà máy bắt đầu được xây dựng và đưa vào hoạt động từ quý III/2024”, Chủ tịch HĐQT Tín Thành nói.
Theo thông tin trên trang của Cơ quan thương mại của tiểu bang Nam Carolina, ngày 14/3, Tín Thành đã công bố về kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất đầu tiên tại Mỹ với khoản đầu tư 68 triệu USD. Thời gian hoạt động dự kiến tháng 9/2024. Tuy nhiên thông cáo từ phía Mỹ cũng không hề nhắc tới King Coffee.
Ngoài ra, Tín Thành cũng công bố tham vọng đến năm 2028, số lượng xe container sử dụng dịch vụ của Tín Thành tại Mỹ đạt 1 triệu xe và xa hơn là chiếm lĩnh 10% - 20% thị phần dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải tại xứ cờ hoa này.
Lãi trung bình 1 tỷ đồng/năm, vốn lưu động âm
Tín Thành giới thiệu sở hữu 5 công ty thành viên, trong đó ba công ty có trụ sở cùng tại đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM - gần địa chỉ của tập đoàn mẹ. Một công ty có trụ sở tại xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên và công ty còn lại có địa chỉ tại Florida, Mỹ.
Theo nguồn tin của chúng tôi, trong ba năm 2018 - 2020, doanh thu thuần công ty mẹ Tín Thành quanh mức gần 300 tỷ - 370 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn và các chi phí, công ty mẹ Tín Thành chỉ lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tính đến hết năm 2020, doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 16 tỷ đồng.
Tại cuối năm 2020, quy mô tài sản của công ty mẹ Tín Thành gần 646 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với đầu năm. Chiếm gần một nửa tài sản của công ty là tài sản cố định hữu hình, thuê tài chính. Lượng tiền, tương đương gần 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, công ty đi vay ngắn và dài hạn là 200 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020, chiếm 64% tổng nợ phải trả. Chi phí tài chính công ty đã phải trả trong năm 2020 hơn 20 tỷ.
Tính đến hết tháng 12/2020, nợ ngắn hạn của công ty mẹ Tín Thành là 249 tỷ, vượt tài sản ngắn hạn 39 tỷ đồng, đồng nghĩa vốn lưu động âm 39 tỷ. Điều này đặt ra vấn đề khả năng thanh toán của công ty mẹ trong ngắn hạn.