|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[CAFE Cuối tuần] Từ chuyện Tín Thành muốn mua 55% cổ phần BSR nhớ về vụ ‘tập đoàn lừa Eminence’ đến từ Mỹ

09:49 | 08/09/2018
Chia sẻ
Tuần qua, thông tin Tập đoàn Tín Thành của ông Trần Đình Quyền đến từ Mỹ muốn thâu tóm 55% cổ phần Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, phía Mỹ lại cho biết Tập đoàn Tín Thành mua ngân hàng Oakwood Bank là sai sự thật.
cafe cuoi tuan tu chuyen tin thanh muon mua 55 co phan bsr nho ve vu tap doan lua eminence den tu my
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền phát biểu tại buổi làm việc với BSR. Ảnh: BSR

Đến lúc này, thông tin về Tín Thành Group của ông Trần Đình Quyền - tập đoàn muốn thâu tóm 55% cổ phần Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn khá tù mù. Thông tin ban đầu về tập đoàn này là đang sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ô tô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida, Mỹ.

Theo thông tin BSR công bố, ngày 28/8/2018, Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng nhà máy giai đoạn 2.

Trước đó, hồi tháng 10/2017, BSR cho biết Tập đoàn Tín Thành do ông Trần Đình Quyền làm Chủ tịch HĐQT cũng đã đến thăm và làm việc tại Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa BSR.

Theo BSR, Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Thông tin từ Tập đoàn Tín Thành cho biết, Ngân hàng Oakwood State Bank tại bang Texas (Mỹ) đã được Tín Thành mua lại và đã đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Giấy chứng nhận cho thấy Tín Thành là chủ sở hữu Tín Thành Oakwood Bank Corp. Thương vụ giao dịch trên đã được thực hiện vào tháng 9/2016.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Nhadautu.vn, vào tháng 12/2017, cơ quan quản lý ngân hàng tại bang Texas đã phát đi cảnh báo cho biết: "Sở Ngân hàng Texas đã nhận thấy một số thông tin trên các phương tiện truyền thông khác nhau báo cáo rằng Tập đoàn Tín Thành mua lại ngân hàng Oakwood Bank tại Dallas, Texas và đổi thành thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Những thông tin này là không chính xác".

Sở Ngân hàng Texas cho biết thêm, Oakwood Bank, Dallas, Texas là một công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang được đảm bảo bởi ngân hàng có trụ sở tại Texas do Oakwood Bancshares, Inc., Dallas, Texas (Oakwood Bancshares) sở hữu.

"Oakwood Bancshares mua lại ngân hàng vào tháng 4/2017. Không có mối quan hệ nào giữa Oakwood Bancshares và Tập đoàn Tín Thành hoặc Tín Thành Oakwood Bank Corp. Oakwood Bancshares có thẩm quyền như một công ty chủ quản của Oakwood Bank, thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - PV)", cơ quan quản lý ngân hàng tại Texas khẳng định.

Cùng đó, Sở Thương mại bang Minnesota cũng đã ban hành lệnh yêu cầu chấm dứt và hủy bỏ đối với pháp nhân Khoa Tran và Tin Thanh Electricity Stream Industrial Corp (Công ty Cổ phần Điện hơi công nghiệp Tín Thành) vào ngày 26/1 cùng với khoản tiền phạt 35.000 USD do vi phạm quy định về sử dụng từ "bank" một cách trái phép trong tên doanh nghiệp. Tên công ty được thay đổi thành Tín Thành Oakwood Bank Corp, và đã nhận được khiếu nại từ công ty sở hữu ngân hàng Oakwood Bank.

Từ những thông tin trên có thể thấy rằng, năng lực tài chính thực sự của Tập đoàn Tín Thành khi muốn mua 55% cổ phần BSR hiện vẫn đang là một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Về lai lịch vị đại gia đến từ Mỹ, chiều 7/9, trao đổi với tác giả bài viết, một vị lãnh đạo BSR cũng bày tỏ thái độ hoài nghi. Theo vị lãnh đạo thì có thể việc Tập đoàn Tín Thành của ông Trần Đình Quyền tiếp xúc với BSR “có thể thông qua mối quan hệ nào đó”.

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng, tại thời điểm này, với lọc dầu Dung Quất, khó có một cá nhân nào có thể mua tới 55% cổ phần, trừ khi cá nhân đó được cấp tiền từ một đất nước nào đó. “Với lọc dầu Dung Quất, việc bán cổ phần cho ai, đòi hỏi phải có nghiên cứu kỹ lưỡng vì điều quan trọng đó chính là phải giữ được mục tiêu ban đầu khi xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, vị này nói, rồi ví von: “Có thể con gái người ta đẹp, nhưng không thể vì thế mà khi lấy về rồi bỏ đi xa mà nhà trai chưa kịp cậy nhờ gì”.

Có thể nói, để nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên công suất 8,5 triệu tấn dầu thô/năm như đề án mà Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận và phê duyệt hiện có nhiều cản trở và khó khăn.

Thực tế, đã có nhiều “đại gia” đến từ Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ “nhòm ngó” tới Dung Quất để đề xuất các phương án hợp tác lâu dài; tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào BSR là vì cảm thấy cơ chế chưa ổn định, việc thu hồi vốn khi đầu tư cũng khá khó khăn.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, BSR dù là “một cơ thể” đang khoẻ nhưng lại đang gánh “một đứa con” rất yếu - đó là Nhà máy Ethanol. Vì Nhà máy Ethanol đang vướng chuyện pháp luật nên không một nhà đầu tư nào muốn mua cổ phần chi phối của BSR để rồi mua luôn rủi ro pháp lý.

“Về bài toàn kinh tế của Nhà máy Ethanol đầu tư tầm hơn 600 tỷ đồng không phải là vấn đề gì lớn đối với một Nhà máy lọc dầu lớn như Dung Quất, nhưng khi nắm cổ phần chi phối, thì về tâm lý, các nhà đầu tư sợ sau này sẽ phải hầu toà. Đây chính là mấu chốt của vấn đề”, một chuyên gia khẳng định.

Từ phân tích trên, cho thấy, việc Tập đoàn Tín Thành của ông Trần Đình Quyền muốn mua 55% cổ phần BSR khiến cho không chỉ dư luận và ngay cả đối với những “người trong nhà” của ngành lọc dầu cũng hoài nghi. Nếu Tín Thành có khả năng mua tới 55% cổ phần như đề xuất thì chắc chắn phải nghiên cứu kỹ năng lực tài chính của tập đoàn này, ông Trần Đình Quyền là ai và đặc biệt là phải biết nguồn tiền đó đến từ đâu?.

Từ việc Tập đoàn Tín Thành muốn mua 55% cổ phần BSR giữa lúc nhiều đại gia dầu khí thế giới đã đến với Dung Quất nhưng chưa đi đến được kết quả nào khiến tác giả nhớ tới vụ Tập đoàn Eminence đến từ Mỹ lừa lãnh đạo Hà Tĩnh và Thanh Hoá cách đây hơn 1 thập niên.

Lúc đó vào năm 2007, tác giải bài viết tham gia vào loạt bài điều tra về dự án 30 tỷ USD tại Thanh Hoá. Vào thời điểm đó, tập đoàn có tên là Eminence (đến từ Mỹ) dự định đầu tư 30 tỷ USD vào Khu kinh tế Nghị Sơn (Thanh Hoá).

Thông tin “sốc” này đã khiến cả nước xôn xao. Dự án FDI với số vốn ngút trời này đã khiến Bộ trưởng KH&ĐT lúc đó là ông Võ Hồng Phúc trong cuộc trả lời phỏng vấn tác giả đã khuyên các địa phương rằng “lãnh đạo các tỉnh cần phải nắm rõ năng lực tài chính của Eminence để tránh bị lừa!”.

Thực tế, sau khi điều tra kỹ càng, hoá ra Eminence là một tâp đoàn “lừa”, không có thật; không có công ty nào tên là Eminence có trụ sở tại Mỹ và số điện thoại cũng là số “ma”.

Cái “đau” của vụ Eminence là ở chỗ, lãnh đạo Hà Tĩnh, Thanh Hoá đều đã phải “nếm trái đắng”. Có vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh khi nhắc đến tên Eminence đã thốt lên với tác giả rằng: “Nó lừa đảo tinh vi đến nỗi tôi phải mất mấy trăm triệu để hầu hạ chúng nó từ tỉnh ra Hà Nội”! Thực tế, sau loạt bài phanh phui đó, tập đoàn lừa Eminence đến từ Mỹ lặn mất tăm và cái giá mà lãnh đạo Hà Tĩnh, Thanh Hoá nếm trải trong câu chuyện kêu gọi đầu tư liên quan đến "tập đoàn ma Eminence" chắc chỉ có người trong cuộc mới thấm.

Trở lại với câu chuyện Tập đoàn Tín Thành muốn mua cổ phần của BSR trong khi nhiều nhà đầu tư có tên tuổi đến từ Nga, Mỹ… dù có quan hệ khá bền chặt với Dung Quất nhưng cuối cùng cũng chưa đi đến một kết quả nào, đang khiến dư luận hoài nghi mục đích phía sau đề nghị của Tín Thành.

Do đó, đối với BSR, việc “chọn mặt gửi vàng” trong câu chuyện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cần phải được coi trọng. Đặc biệt, phải nắm rõ năng lực tài chính và dòng tiền của nhà đầu tư đến từ đâu, liệu có phải đến từ Mỹ hay một quốc gia khác (?). Vì dù gì đi chăng nữa, phía sau việc bán cổ phần cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, lãnh đạo BSR phải luôn nhớ rằng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng trong nước phải được đặt lên hàng đầu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phong Cầm

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.