Kịch tính tại dự án cảng Cái Mép Hạ
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Khiếu nại của chủ đầu tư dự án Cảng Cái Mép Hạ là không có cơ sở | |
Chậm triển khai, Dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ hơn 10.000 tỷ bị chấm dứt hoạt động |
Thông báo nêu rõ rằng dự án cảng CMH đã được giao cho chủ đầu tư khác, và đề nghị Tập đoàn Geleximco, đơn vị rất tha thiết với dự án này, làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để liên doanh, khai thác dự án cảng CMH.
Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Ảnh: T.L |
Như vậy, tính từ thời điểm gửi công văn đề nghị đầu tư (tháng 10/2016) đến Thủ tướng Chính phủ, thì sau hai năm kiên trì theo đuổi dự án kép là cảng CMH và Trung tâm logistics CMH, Geleximco chỉ mới đạt được một nửa mong muốn của mình, đó là “đèn xanh” cho dự án trung tâm logistics CMH. Còn với dự án cảng CMH, câu chuyện lại phức tạp hơn rất nhiều, bởi chủ đầu tư của dự án được đề cập trong Thông báo 365 là Công ty cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC).
Cách đây một năm, vào ngày 13/10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 49/QĐ-SKHĐT chấm dứt hoạt động dự án cảng CMH của VTSC, do VTSC không triển khai dự án sau khi được giao đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước cho dự án này.
Dự án hơn một thập kỷ của người đi trước
Dự án cảng tổng hợp và container CMH được VTSC đề xuất xây dựng từ năm 2006, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận về mặt chủ trương vào tháng 1/2006, được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam vào tháng 10/2007. Đến tháng 9/2010, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho VTSC, và vào tháng 12/2011, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 2912-QĐ-UBND để giao hơn 86 héc ta đất cho VTSC triển khai dự án. Nhưng tại Kết luận thanh tra số 5115/KL-STNMT ngày 2/12/2016 về việc quản lý, sử dụng đất dự án cảng CMH, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh rằng VTSC đã chưa đưa đất vào sử dụng sau năm năm kể từ ngày được giao đất thực địa, đồng thời, VTSC cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với dự án.
Thực ra, Kết luận 5115 là bước chuẩn bị về mặt pháp lý cho chủ trương thu hồi dự án cảng CMH từ VTSC. Trước đó, từ tháng 11/2015, dự án cảng CMH đã nằm trong danh sách 10 dự án chậm tiến độ mà Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh thu hồi, với lý do hầu hết các dự án này đều đã hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng nhưng chậm triển khai theo tiến độ cam kết, trường hợp của CMH là đáng tiếc nhất, vì những bước chuẩn bị về mặt pháp lý của dự án đã gần như hoàn tất. Đúng một năm sau đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, tháng 11/2016, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra Thông báo số 454-TB/TU thống nhất chủ trương thu hồi dự án cảng CMH từ VTSC.
Đứng trước viễn cảnh mất dự án rất tiềm năng vào tay nhà đầu tư khác, VTSC đã “vùng vẫy” rất mạnh. Tháng 9/2016, VTSC cùng với Công ty cổ phần Nước Aqua One góp vốn lập ra Công ty cổ phần Đầu tư cảng CMH với vốn điều lệ là 900 tỉ đồng để lập pháp nhân phát triển dự án, đồng thời hợp thức hóa cho số tiền sử dụng đất trên 88 tỉ đồng mà Aqua One đã nộp vào ngân sách nhà nước trước đó, vào tháng 8/2016. Nhưng Aqua One lại không phải là tổ chức được giao đất, không có bất cứ nghĩa vụ gì với dự án, nên khoản tiền nói trên đã được chuyển trả lại cho doanh nghiệp này. Vẫn muốn giữ lại dự án, đến tháng 12/2016, VTSC đã kiến nghị thẳng lên Thủ tướng Chính phủ. Nhưng sự trì hoãn đã không kéo dài quá lâu, như đã trình bày ở trên, đến tháng 10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định dừng dự án của VTSC.
Và những người đến sau
Mặc dù vào tháng 5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 176/TB-VPCP thể hiện kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của VTSC liên quan dự án cảng CMH, trong đó cho rằng việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án Cảng tổng hợp và container CMH của VTSC khi chưa thực hiện thủ tục gia hạn là chưa phù hợp với quy định tại điều 64 của Luật Đất đai năm 2013, nhưng Thông báo 176 lại không “trả” dự án cho VTSC, mà nhắc đến hiện trạng “hai dự án triển khai trên cùng một địa bàn”. Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện về quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án, năng lực của nhà đầu tư để trình lên Thủ tướng.
Dự án cũng đang được phát triển trên cùng địa bàn mà Thông báo 176 nhắc đến là dự án của nhà khai thác cảng container lớn nhất Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG).
Cũng là đơn vị tiếp cận dự án cảng CMH về sau này, nhưng TCSG “đến trước” Geleximco. Ngay từ tháng 11/2015, TCSG đã gửi Công văn 2048/TCT-KHĐT cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị được tiếp nhận đầu tư xây dựng dự án. Tháng 1/2016, tại Thông báo số 17/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng xem xét chủ trương cho phép TCSG hợp tác với doanh nghiệp địa phương đầu tư dự án cảng CMH. Tháng 4/2017, Bộ Tư lệnh Hải quân gửi Công văn số 4031/BTL-Kte giao nhiệm vụ cho TCSG đầu tư xây dựng cảng CMH. Ngày 21/8/2017, khi liên doanh Geleximco-ITC đến gặp ban lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để báo cáo về việc đầu tư vào dự án cảng CMH, họ đã ở sau hành trình của TCSG gần hai năm.
Đến ngày 12/9/2017, báo cáo với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương TCSG đầu tư dự án cảng CMH. Đề xuất này đã dẫn đến tình trạng dự án chồng dự án, và với liên doanh Geleximco-ITC, Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị liên doanh này đầu tư vào một dự án cảng khác trên địa bàn tỉnh.
Mấu chốt là ở năng lực nhà đầu tư
Như tinh thần Thông báo số 176/TB-VPCP đã chỉ rõ, và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã nhấn mạnh trong chuyến thăm TCSG vào tháng 5-2018 vừa qua, thì câu chuyện ở cảng CMH sẽ được quyết định dựa trên năng lực nhà đầu tư. Không khó để nhận ra rằng trong số ba nhà đầu tư mong muốn phát triển dự án cảng CMH thì VTSC-Aqua One là đơn vị ít danh tiếng hơn so với hai nhà đầu tư còn lại. Cả VTSC và Aqua One đều không phải là doanh nghiệp trong ngành khai thác cảng, cũng không phải là hãng tàu, nên khả năng phát triển thành công một dự án trọng điểm như CMH là chưa rõ ràng.
Với hai nhà đầu tư còn lại, có lẽ không cần nhắc nhiều đến quy mô và năng lực của TCSG, doanh nghiệp giờ đây không chỉ phát triển trong lĩnh vực khai thác cảng mà đang tham gia sâu vào dịch vụ logistics cũng như vận tải container đường biển, còn sự tham gia của Geleximco vào dự án CMH đặt ra nhiều câu hỏi cho những người quan sát. Thực ra, Geleximco không xa lạ gì với ngành khai thác cảng, logistics cũng như kinh nghiệm trong việc liên doanh với nhà khai thác cảng quốc tế. Geleximco là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân, đơn vị liên doanh với nhà khai thác cảng lớn nhất của Mỹ là SSA Marine để khai thác cảng quốc tế Cái Lân (CICT). Song hành cùng Geleximco tiếp cận dự án là Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC), nhà khai thác cảng SP-ITC, một cảng container đang vận hành khá hiệu quả tại TPHCM. ITC cũng đồng thời sở hữu đội sáu tàu hàng rời có tổng trọng tải đạt 200.000 DWT.
Những diễn biến liên quan đến nhà đầu tư tại dự án cảng CMH là một điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh vốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác cảng đang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây, và đó cũng là cơ sở để chúng ta hy vọng rằng Chính phủ sẽ tìm được một nhà đầu tư phù hợp nhất để phát triển dự án cảng có vị trí chiến lược này.
Vị trí xây dựng cảng CMH là vị trí rất đắc địa so với các cảng còn lại trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Với vị trí ở cửa sông, bán kính vùng quay trở lớn, luồng hàng hải rộng và sâu, CMH có khả năng tiếp nhận an toàn tàu 200.000 DWT đầy tải, điều mà hiện chưa có cảng nào ở Cái Mép - Thị Vải thực hiện được. Trong phương án thiết kế đầu tiên vào năm 2006 mà Portcoast thực hiện cho VTSC, CMH chỉ có 1.000 mét cầu tàu, đón tàu đến 80.000 DWT, nhưng hiện nay TCSG đã lên phương án thiết kế CMH có 2.000 mét cầu tàu, đón tàu 200.000 DWT. |