|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kịch bản sơ tán của Mỹ khi xảy ra chiến tranh hạt nhân

12:53 | 06/06/2022
Chia sẻ
Mỹ đã chuẩn bị các kịch bản sơ tán và cứu nạn đối với lãnh đạo quốc gia cũng như dân thường nếu như một cuộc tấn công hạt nhân diễn ra trên đất Mỹ.

Sau khi bùng phát vào ngày 24/2/2022, xung đột Nga - Ukraine đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao, đồng thời thực hiện các cuộc diễn tập với vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, quân đội Mỹ và NATO không trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhưng đã liên tục hỗ trợ vũ khí và tiếp nhận người tị nạn.

Ukraine tiếp giáp với 4 nước NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary, và Romania. Trong lúc giao tranh hỗn loạn, nếu như một quả tên lửa của Nga rơi trên đất NATO và gây thiệt hại về nhân mạng thì khả năng xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân là hoàn toàn có thể.

Theo New York Post, khi một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra, Tổng thống Mỹ sẽ được hộ tống đến một boongke nằm ngay bên dưới Nhà Trắng có tên Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Tổng thống (PEOC). Do diện tích của hầm khá nhỏ và không sử dụng được lâu dài nên rất khó để tất cả thành viên nội các trú ẩn trong đó. 

Những lãnh đạo chủ chốt của chính phủ không thể ngồi yên một chỗ. Ngoài boongke nằm ngay dưới Nhà Trắng, chính phủ Mỹ còn ba boongke chuyên để các quan chức cấp cao có thể di chuyển tới trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau vụ nổ hạt nhân.

Tên gọi của ba boongke này lần lượt là Cheyenne (nằm phía sườn núi ở phía nam bang Colorado), Mountain Weather (ở bang Virginia) và Raven Rock (nằm tại bang Pennsylvania).

Hầm Cheyenne (Ảnh: NORAD)

Tổng thống Joe Biden còn từng tiết lộ vị trí của boongke bí ​​mật mà phó tổng thống sẽ tới trong trường hợp khẩn cấp, nằm dưới Đài quan sát cũ của Hải quân Mỹ. Boongke này được ông Biden mô tả là một nơi ẩn náu đằng sau cánh cửa thép khổng lồ và chứa đầy các thiết bị liên lạc. 

Khi các quan chức cấp cao đã có “điểm đến” cho mình thì người dân sẽ được nhận thông báo từ Tổng thống thông qua hệ thống cảnh báo khẩn cấp. Các thông báo được truyền tải qua TV, đài radio, văn bản và tin nhắn. 

Tin nhắn sẽ cho biết người gửi là ai, ví dụ như Tổng thống hoặc chính quyền bang, và những thông tin quan trọng khác như thời gian vụ tấn công hoặc một vài dòng tóm gọn những gì sẽ xảy ra trong tương lai. 

Một số bang ở Mỹ cũng đã tiến hành thử nghiệm hệ thống cảnh báo khẩn cấp trên TV, mặc dù có thể gây hoảng loạn cho mọi người nhưng việc này là cần thiết.

Thêm vào đó, Chính phủ thường xuyên cập nhật hướng dẫn công khai về những việc người dân cần làm tại địa chỉ ready.gov - một trang web chính thức của chính phủ Mỹ. 

Theo trang web, bước đầu tiên khi nhận được cảnh báo từ phía chính phủ, người dân phải chạy vào trung tâm một tòa nhà gần nhất để tránh bụi phóng xạ. Toà nhà có chất liệu bằng đá và bê tông là lựa chọn tối ưu nhất. 

Bước thứ hai, cởi bỏ quần áo bẩn bị dính bụi phóng xạ, lau chùi hoặc rửa sạch những vùng da không được bảo vệ. Hơn nữa, người dân không nên rời khỏi toà nhà ấy trong vòng 24h giờ nếu không có sự chỉ dẫn thêm nào từ chính quyền địa phương. 

 Trẻ em Mỹ học cách tự bảo vệ mình trong trường hợp bị tấn công hạt nhân (Ảnh: Highland News)

Nếu đang ở bên ngoài, người dân cần tìm chỗ ẩn nấp đằng sau bất cứ thứ gì có thể bảo vệ bản thân khỏi vụ nổ. Điều cần lưu ý là nằm úp mặt xuống để tránh cho làn da khỏi sức nóng và các mảnh vụn bay ra, không chạm tay vào mắt, mũi và miệng.

Mỗi người cần chuẩn bị cho bản thân và gia đình một bộ dụng cụ khẩn cấp để có thể mang theo bên mình trong vài ngày. Bộ dụng cụ này bao gồm nước đóng chai, thực phẩm đóng hộp, thuốc và radio quay tay chạy bằng pin. 

Sau vụ nổ hạt nhân, việc sử dụng điện thoại, mạng internet hay tivi có thể bị gián đoạn do mất điện. Vậy nên, người dân cần đảm bảo luôn giữ radio quay tay chạy bằng pin bên mình để có thể nhận thông báo chính thức về thời gian và địa điểm an toàn có thể rời đi.

Những cá nhân bị thương trong vụ nổ nên lắng nghe chỉ dẫn từ các nhân viên tại cơ sở gần đó để tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Nếu không có khả năng giúp được bệnh nhân, các nhân viên sẽ có trách nhiệm liên hệ với bệnh viện hay phòng khám địa phương.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ quản lý kho dự trữ quốc gia chiến lược, trong đó bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc giải độc hóa học, thuốc tiêm tĩnh mạch, vật tư duy trì đường thở,... phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp. 

Về phía quân đội, CNBC cho biết, Bộ quốc phòng Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận để cố gắng mô phỏng các tình huống quân sự khác nhau. Các cuộc tập trận này được gọi là War Games, tạm dịch là Trò chơi chiến tranh.

Vào tháng 2/2020, Lầu Năm Góc tiết lộ họ đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự mô phỏng tình huống chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ với Nga. Theo một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng, cuộc tập trận này có một kịch bản giả định là Nga tấn công lãnh thổ NATO. Những cuộc diễn tập chiến tranh này không phải lúc nào cũng kết thúc bằng đòn đáp trả hạt nhân từ Mỹ. 

Chỉ huy Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (ngoài cùng bên phải) họp bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper (người thứ hai từ phải sang) tại Lầu năm góc năm 2020. (Ảnh: National Defense)

Yến Trang