|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai?

11:12 | 14/05/2019
Chia sẻ
Trong khi nhóm "đại gia" VN30 đóng góp lớn vào con số hơn 50.000 tỉ đồng lợi nhuận doanh nghiệp quí I, HAGL Agrico và nhiều doanh nghiệp thép lại làm ăn thua lỗ, khiến bức tranh kết quả kinh doanh thêm nhiều gam màu tối.

Theo thống kê của FiinPro, trong quí I vừa qua các doanh nghiệp niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đạt 400.150 tỉ đồng doanh thu (không kể các ngân hàng), và 50.468 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Cả hai chỉ tiêu này của HOSE đều bỏ xa con số của HNX và UPCoM cộng lại.

Cụ thể, doanh nghiệp niêm yết trên HNX đạt 68.684 tỉ đồng doanh thu và chỉ 4.928 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM có tổng doanh thu 166.929 tỉ đồng, và lợi nhuận sau thuế 12.467 tỉ đồng, lần lượt cao gấp 2,43 lần và 2,53 lần HNX.

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 1.

Tổng hợp doanh thu (ngoại trừ ngân hàng), lợi nhuận sau thuế trên HOSE, HNX và UPCoM trong quí I. Nguồn số liệu: FiinPro

HOSE: Nhóm VN30 thống trị, ngành thép bết bát

Trên HOSE, chỉ riêng 30 doanh nghiệp trong chỉ số VN30 đã đạt doanh thu thuần 197.266 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 33.698 tỉ đồng, lần lượt chiếm 49,3% và 66,8% toàn sàn.

Doanh nghiệp giành chức quán quân lợi nhuận HOSE cũng như toàn thị trường chứng khoán trong quí I là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) với 4.711 tỉ đồng. Theo sau là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS) với 3.064 tỉ đồng. Vị trí thứ ba và thứ tư tương ứng thuộc về Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) và Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM).

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 2.

Lợi nhuận sau thuế quí I của 30 doanh nghiệp trong chỉ số VN30 (tỉ đồng). Nguồn số liệu: FiinPro.

Ở chiều ngược lại, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) lỗ đậm nhất sàn HOSE cũng như toàn thị trường chứng khoán trong quí I với 101,6 tỉ đồng. Đây là quí thua lỗ liên tiếp thứ hai của Nam Kim. Có vẻ quí vừa qua thực sự là quãng thời gian khó khăn ngành thép khi có thêm tới hai doanh nghiệp thép khác góp mặt trong top 10 thua lỗ của HOSE là Thép Việt Ý (Mã: VIS) và Thép Pomina (Mã: POM).

Các doanh nghiệp thép lớn trên HOSE như Hoa Sen và Hòa Phát tuy không thua lỗ nhưng đều báo lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HNG) giành ngôi á quân thua lỗ với 99 tỉ đồng. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân chủ yếu là do chuối - loại cây chủ lực trong chiến lược phát triển của công ty - chưa đến kì thu hoạch trong quí I.

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 3.

Ba doanh nghiệp sản xuất thép có tên trong top 10 thua lỗ quí I trên HOSE: Nam Kim, Pomina, Việt Ý. Nguồn số liệu: FiinPro.

HNX: ACB và SHB áp đảo

Trên HNX, hai nhà băng là Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB) bỏ xa "bạn bè cùng lớp" với lợi nhuận khủng lần lượt 1.366 tỉ đồng và 594 tỉ đồng.

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 4.

Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận lớn nhất HNX quí I/2019, dẫn đầu là hai ngân hàng ACB và SHB. Nguồn số liệu: FiinPro.

Làm ăn bết bát nhất HNX quí vừa qua là CTCP Chứng khoán Phố Wall (Mã: WSS) với khoản lỗ 90 tỉ đồng. Ví trí thứ hai lại thuộc về một doanh nghiệp thép – CTCP Thép Dana – Ý (Mã: DNY) với khoản lỗ 57 tỉ đồng. ….

2019 dự kiến sẽ là một năm khó khăn với Dana - Ý vì nhà máy thép của công ty vẫn đang bị tạm ngừng hoạt động do tranh chấp pháp lí từ năm ngoái với người dân xung quanh.

Năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 88 tỉ đồng. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, thậm chí dừng hoàn toàn vào quí IV, công ty chỉ đạt doanh thu hơn 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận âm 112 tỉ đồng.

Nói về định hướng hoạt động năm 2019, lãnh đạo công ty không bàn đến con số doanh thu, lợi nhuận mà chỉ ra một "lối thoát" cho cổ đông: "Nếu cổ đông nào muốn bán lại cổ phần DNY, các thành viên HĐQT sẵn sàng mua lại theo giá thỏa thuận".

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 5.

Top 10 thua lỗ quí I của sàn HNX. Nguồn số liệu: FiinPro.

UPCoM: Dễ dàng qua mặt HNX nhờ nhiều "ông lớn" Nhà nước

Thị trường UPCoM dễ dàng vượt HNX về qui mô doanh thu và lợi nhuận nhờ sự góp mặt của những tên tuổi lớn chưa niêm yết như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA), hai ông lớn này đều có lợi nhuận quí I trên ngàn tỉ. Hiện nay, tỉ lệ sở hữu nhà nước tại ACV là 95,4%, còn tại VEAM là 88,5%.

5 doanh nghiệp có lợi nhuận khoảng 600-800 tỉ là Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Becamex IDC (Mã: BCM), Ngân hàng TMCP Quốc Tế (Mã: VIB), Hàng tiêu dùng Masan (Mã: MCH), Phát triển đô thị Sài Đồng (Mã: SDI).

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 6.

Top 10 lợi nhuận UPCoM quí I có sự góp mặt của nhiều tập đoàn Nhà nước. Nguồn số liệu: FiinPro.

Về phía top thua lỗ, Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Mã: VST) dẫn đầu cùng khoản lỗ 69 tỉ đồng. Cổ đông lớn nhất sở hữu 49% của VST là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (Vinalines - Mã: MVN) cũng góp mặt trong Top 10 với số lỗ 30 tỉ đồng. Hiện tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại Vinalines vẫn lên tới trên 85% do công ty chỉ bán được 1,1% số cổ phần chào bán trong đợt IPO ngày 5/9/2018.

"Quả đấm thép" một thời Đạm Hà Bắc (Mã: DHB) đứng thứ hai với khoản lỗ 53 tỉ đồng. Hiện Tập đoàn hóa chất Việt Nam vẫn sở hữu 97,66% vốn điều lệ của Đạm Hà Bắc.

Kỉ lục kết quả kinh doanh quí I: Danh hiệu vua lãi, lỗ trên HOSE, HNX, UPCoM thuộc về ai? - Ảnh 7.

Top 10 thua lỗ quí I của thị trường UPCoM. Nguồn số liệu: FiinPro.


Kiên Dương