|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khủng hoảng Ukraine phủ mây đen lên các ngành công nghiệp Hàn Quốc

03:41 | 25/02/2022
Chia sẻ
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine có thể gây tổn hại đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc, bao gồm chất bán dẫn và ô tô, do căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể sẽ làm tăng giá năng lượng vốn đã cao.
Khủng hoảng Ukraine phủ mây đen lên các ngành công nghiệp Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Moon Jae-in. (Ảnh: Nikkei).

Chính phủ Hàn Quốc cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine có thể có tác động hạn chế đến nền kinh tế nước này, nhưng các nhà quan sát ngành công nghiệp bày tỏ lo ngại rằng tình hình xấu đi có thể làm giảm nguồn cung dầu thô và nguyên liệu thô, đồng thời làm giảm xuất khẩu của nước này.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu thô, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế lớn nhất thế giới. Giá dầu đã tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng trong phiên 24/2, và giá điện và than cũng đã tăng gần đây.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất chú ý đến diễn biến của cuộc khủng hoảng đang diễn ra bởi chi phí năng lượng cao có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh của họ. Hàn Quốc chủ yếu dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), naphtha là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc từ Nga, chiếm 25,3%, tiếp theo là dầu thô (24,6%), than đá (12,7%) và khí đốt tự nhiên (9,9%).

Các công ty dầu và lọc dầu của Hàn Quốc, bao gồm SK Innovation và S-Oil, có thể kiếm lời nhờ lượng hàng dự trữ trong kho trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết căng thẳng kéo dài có thể làm giảm nhu cầu toàn cầu, có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Ngành công nghiệp xi măng của Hàn Quốc, nhập khẩu gần 75% than bitum (than mỡ) từ Nga, đặc biệt bày tỏ lo ngại rằng tình hình bất ổn địa chính trị sẽ khiến giá tăng thêm và làm gián đoạn nguồn cung.

Một quan chức của Hiệp hội Xi măng Hàn Quốc cho biết căng thẳng gần đây giữa Nga và Ukraine đã gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu, đẩy giá cả lên cao. Ông nói thêm chi phí sản xuất xi măng đã tăng 30-50% so với quý đầu tiên của năm 2021.

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc cũng đang theo dõi sát sao diễn biến của cuộc khủng hoảng khi họ nhập khẩu khí neon và krypton, những nguyên liệu quan trọng cần thiết để sản xuất chip, từ hai nước trên. Hàn Quốc đã nhập khẩu 23% nhu cầu khí neon từ Ukraine và 5,3% từ Nga trong năm 2021.

Lee Jae-yun, một nhà phân tích từ Yuanta Securities, cho biết căng thẳng đang diễn ra có thể gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với những nguyên liệu thô như vậy, qua đó có khả năng làm tăng giá chip.

Các nhà phân tích khác, như Lee Woong-chan từ Hi Investment & Securities Co, có chung mối quan ngại như vậy. Ông cho biết mặc dù các nhà sản xuất chip Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (chiếm 67%) hơn so với Ukraine (23%) đối với nguyên liệu neon, song các nhà sản xuất chip sẽ không thể tránh khỏi việc tăng giá trong trường hợp căng thẳng kéo dài.

Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc., hai nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới, cho biết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine chưa có tác động tức thời đến hoạt động sản xuất chip, và hai nhà sản xuất này đang theo dõi sát sao tình hình.

Ngành công nghiệp xe hơi cũng không tránh khỏi những tác động tiềm tàng.

Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc có thể đối mặt với rủi ro ngày càng tăng do sự biến động của đồng nội tệ Nga và nhu cầu tại Nga sụt giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Báo cáo của Yuanta Securities cho biết tỷ giá hối đoái không tốt đã dẫn đến lợi nhuận Hyundai Motor Co. và chi nhánh Kia Corp. thấp hơn trong năm 2014 thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Hyundai Motor cho biết thêm hoạt động của hãng tại Nga hiện chưa có tác động gì. Nhà sản xuất ô tô này có dây chuyền lắp ráp ô tô ở St.Petersburg, nơi sản xuất khoảng 230.000 ô tô mỗi năm.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc, Hyundai đã bán được 38.161 xe và Kia đã bán được 51.869 xe tại Nga trong năm 2021. Tổng khối lượng nhập khẩu vào khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc.

KITA cho biết hiệp hội này đã thành lập một nhóm khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine và giảm thiểu bất kỳ tác động kinh tế nào từ cuộc đối đầu quân sự trong khu vực. Ngoài ra, KITA cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và tham vấn với chính phủ về bất kỳ tác động tiêu cực nào của cuộc khủng hoảng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc có liên hệ với Nga.

Minh Hằng