Khủng hoảng của NYCB khơi lại nỗi lo về các ngân hàng khu vực Mỹ
Tình hình của NYCB
Theo đưa tin từ CNBC, New York Community Bank (NYCB) đã công một bố loạt số liệu tài chính trong 24 giờ qua nhằm mục đích xoa dịu các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngân hàng khu vực này có lẽ đang thiếu mất một thứ quan trọng: niềm tin.
Cuối ngày 6/2, NYCB cho biết tổng tiền gửi của ngân hàng đang ổn định ở mức 83 tỷ USD và họ có đủ nguồn lực để xoay xở trong trường hợp khách hàng ồ ạt rút tiền gửi không được bảo hiểm.
Vài giờ sau, NYCB thông báo bổ nhiệm ông Alessandro DiNello lên chức Chủ tịch hội đồng quản trị, quyết định có hiệu lực ngay lập tức.
Các động thái trên giúp cổ phiếu NYCB tăng khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày 7/2, nhưng không bù đắp được bao nhiêu mức giảm hơn 50% kể từ khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý IV vào tuần trước.
Chia sẻ với CNBC, ông Ben Emons, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại NewEdge Wealth, nhận xét: “NYCB đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin. Thị trường không có niềm tin vào ban quản lý của ngân hàng”.
Giữa lúc cổ phiếu NYCB giảm mạnh, Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của ngân hàng này hai bậc xuống mức rác. Moody’s nhấn mạnh đến những rủi ro trong hệ thống quản lý của NYCB.
Tình hình của ngân hàng này trở nên tồi tệ hơn khi NYCB bị cổ đông đệ đơn kiện vì đà lao dốc của cổ phiếu. Cổ đông cáo buộc các giám đốc cấp cao của ngân hàng đã đánh lừa nhà đầu tư về các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Năm ngoái, NYCB từng hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực khi họ được phép mua lại tài sản của Signature Bank. Tình cảnh lúc này của NYCB lại làm dấy lên lo ngại về tình trạng của các ngân hàng quy mô vừa tại Mỹ.
Các nhà đầu tư đang lo lắng rằng thiệt hại trong danh mục cho vay bất động sản thương mại trị giá 2.700 tỷ USD của các ngân hàng có thể gây ra một đợt hỗn loạn khác.
Rủi ro từ cho vay bất động sản
Tuần trước, NYCB cho biết họ phải dự trữ tiền mặt nhiều hơn để đề phòng tổn thất trong danh mục cho vay bất động sản. Dự phòng rủi ro cho vay đã tăng lên 552 triệu USD, cao gấp 10 lần ước tính của các nhà kinh tế.
Ngân hàng này cũng cắt giảm 71% cổ tức để bảo toàn vốn. Doanh nghiệp thường không muốn giảm cổ tức vì nhà đầu tư thường ưa thích các công ty có kế hoạch chi cổ tức ổn định.
Kết quả tài chính quý IV của NYCB khiến cổ phiếu của các ngân hàng khu vực Mỹ giảm mạnh vì so với các gã khổng lồ ngân hàng thì nhóm này đóng vai trò tương đối lớn trên thị trường bất động sản thương mại.
Đơn cử, cổ phiếu của Valley National, một ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với bất động sản thương mại, đã sụt khoảng 22% trong tuần qua.
Trong một báo cáo ra hôm 7/2, nhà phân tích Manan Gosalia của Morgan Stanley nhận định kết quả của NYCB khiến nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ nợ xấu trong danh mục cho vay bất động sản thương mại tăng lên trong cả năm 2024.
Các toà nhà văn phòng tại Mỹ đang có nguy cơ vỡ nợ cao do tỷ lệ lấp đầy thấp hơn, khi mà người lao động dần chuyển sang xu hướng làm việc từ xa. Ngoài ra, những thay đổi trong luật ổn định tiền thuê nhà của New York cũng khiến giá trị một số bất động sản giảm mạnh.
Không đáng lo?
Ông Emons của NewEdge Wealth cho biết tương tự như cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng 3 năm ngoái, giới đầu cơ cũng đang đặt cược rằng cổ phiếu của NYCB sẽ còn lao dốc hơn nữa.
Đặc biệt, các hợp đồng quyền chọn bán (put option) sẽ càng mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu cơ nếu cổ phiếu NYCB rơi xuống dưới mức 3 USD/cp, ông Emons thông tin thêm.
Phát biểu tại một sự kiện hôm 6/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà “lo ngại” về tình trạng thua lỗ trong lĩnh vực bất động sản thương mại nhưng khẳng định các cơ quan quản lý ngân hàng đang nỗ lực để đảm bảo rằng hệ thống tài chính sẽ sớm điều chỉnh.
“Tôi tin là rủi ro có thể kiểm soát được, mặc dù một số tổ chức đang khá căng thẳng vì vấn đề này”, bà Yellen nói, từ chối đề cập đến bất kỳ ngân hàng cục thể nào.