|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khu thương mại tự do của Trung Quốc chật vật cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút đầu tư

12:35 | 30/09/2019
Chia sẻ
Làn sóng xây dựng khu công nghiệp khắp Trung Quốc vấp phải rào cản lớn, khiến Bắc Kinh nhanh chóng chuyển sang phương án B là xây dựng các khu thương mại tự do. Tuy nhiên, cuộc thương chiến Mỹ - Trung và sự hấp dẫn của Việt Nam đang khiến cho khu thương mại tự do cạnh biên giới gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư.
bae5e2fc-df5f-11e9-94c8-f27aa1da2f45_image_hires_123853

Khu Công nghiệp Khâm Châu hiu quạnh và vắng vẻ, lác đác một vài văn phòng công ty. (Nguồn: He Huifeng)

Giấc mơ về khu công nghiệp đầy hứa hẹn đã tan biến

Ngày 1/4/2012, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tham dự lễ khánh thành Khu Công nghiệp Khâm Châu (QIP) với tham vọng xây dựng từ đầu một thị trấn nửa triệu dân "mang tầm quốc tế, công nghệ cao và phát thải ít khí carbon".

Bảy năm rưỡi sau, giai đoạn đầu tiên của khu công nghiệp rộng khoảng 1/10 đảo Hong Kong này đang vật lộn để thu hút doanh nghiệp nhằm lấp đầy khoảng trống.

QIP thu hút rất ít nhà đầu tư trong "lĩnh vực y sinh, điện tử và năng lượng mới", do đó khu công nghiệp này chuyển trọng tâm sang tạo dựng "chuỗi cung ứng quốc tế về tổ yến". Quá trình này bao gồm nhập khẩu tổ yến từ Đông Nam Á và chế biến chúng thành nguyên liệu để nấu món súp tổ yến.

Trong một chuyến thăm gần đây đến khu công nghiệp QIP, cách biên giới Việt Nam khoảng một giờ đi xe, thị trấn công nghệ cao hứa hẹn một thời đã không thể thành hiện thực và khu vực này vẫn chỉ là một vùng đất hoang, xa xôi và hẻo lánh.

Rất ít doanh nghiệp đang hoạt động và lưu lượng xe cộ khá hạn chế. Doanh nghiệp duy nhất có thể nhìn thấy là một nhà hàng có tên Three Brothers Fast Food, chuyên phục vụ rau xào, thuốc lá và đồ uống. Khách hàng của Three Brothers chủ yếu gồm nhóm công nhân xây dựng nhỏ trong khu công nghiệp.

Xây khu công nghiệp bất thành, Bắc Kinh chuyển hướng sang khu thương mại tự do

Xây dựng nhiều khu công nghiệp như vậy thường được xem là yếu tố quan trọng trong chính sách hội nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu của Trung Quốc cũng như nhằm phát triển kinh tế nhanh chóng.

Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được khánh thành tại khu vực Shekou (Thâm Quyến) năm 1979 để tiếp nhận đầu tư từ Hong Kong, mô hình này đã trở nên phổ biến đến mức có hàng nghìn khu công nghiệp khởi phát trên toàn quốc.

Mô hình trên thường bao gồm các chính sách ưu đãi thuế, đất đai và công nghiệp để thu hút nhà đầu tư vào một khu vực nhất định.

Các khu công nghiệp thường được thiết kế để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các ngành công nghệ cao hoặc công nghiệp cụ thể như ô tô và điện tử, tuy nhiên cuộc chiến thu hút nhà đầu tư ngày càng khó khăn hơn khi mà hàng loạt khu công nghiệp mọc lên, đưa ra các ưu đãi "na ná" nhau.

Giải pháp mới nhất của Bắc Kinh là nâng cấp các khu công nghiệp thành khu vực thí điểm thương mại tự do. Kể từ khi kế hoạch thí điểm bắt đầu tại Thượng Hải vào năm 2013, Trung Quốc đã phê duyệt 6 đợt hồ sơ xây dựng khu thương mại tư do ở 18 tỉnh.

Mỗi tỉnh đều chọn ra một khu vực rộng khoảng 120 km2 để thu hút nhà đầu tư thông qua nhiều gói ưu đãi như miễn thuế, giảm chi phí hải quan, hạ thấp rào cản gia nhập thị trường và cơ hội tiếp cận dịch vụ thanh toán xuyên biên giới dễ dàng hơn.

Bắc Kinh hi vọng các khu thương mại tự do có thể giúp Trung Quốc hòa vào dòng chảy thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đảm bảo vai trò của nước này trong nền kinh tế thế giới, trong đó giảm rủi ro gia tăng từ chính quyền Tổng thống Trump cũng như từ việc vị thế là "công xưởng thế giới" dần rơi vào tay các nước Đông Nam Á.

Trong danh sách mới nhất được công bố hồi tháng 8, Trung Quốc đã phê duyệt 6 khu thương mại tự do mới.

Khu Công nghiệp Khâm Châu sẽ nằm trong khu thương mại tự do của tỉnh Khâm Châu, Nam Ninh và Sùng Tả (sát biên giới Việt Nam), tạo thành khu thương mại tự do Quảng Tây.

Thương chiến Mỹ - Trung và sự hấp dẫn của Việt Nam

Vấn đề đối với Quảng Tây, tên chính thức là khu tự trị Zhuang, là sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế từ Việt Nam.

Việt Nam có nhiều thuận lợi khi đã kí kết một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ và thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), trong khi các nhà sản xuất tại Trung Quốc phải chịu thuế quan và đe dọa áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump; còn quá trình đàm phán Thỏa thuận Đầu tư EU - Trung Quốc vẫn đang diễn ra.

Vào một ngày làm việc bình thường, các trung tâm dịch vụ công tại Khâm Châu, Sùng Tả và Nam Ninh khá trống vắng khi chỉ xuất hiện một vài nhà đầu tư tiềm năng.

bd03c2de-df5f-11e9-94c8-f27aa1da2f45_972x_123853

Các trung tâm dịch vụ công ở Khâm Châu, Nam Ninh và Sùng Tả trong một ngày làm việc bình thường vắng vẻ đến lạ! (Ảnh: South China Morning Post)

Một nhân viên tại trung tâm ở Nam Ninh cho biết, hơn 10 doanh nghiệp mới đã đăng kí hoạt động kể từ khi khu thương mại tự do được cấp phép vào cuối tháng 8, nhưng toàn bộ đều là doanh nghiệp Trung Quốc.

Chính quyền tỉnh Quảng Tây muốn trở thành cầu nối giữa Quảng Đông (trung tâm sản xuất truyền thống của Trung Quốc) và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ông Joe He, người cung cấp dịch vụ logistics tại thị trấn biên giới Bằng Tường ở thành phố Sùng Tả, cho biết chiến lược của chính quyền tỉnh Quảng Tây đang thất bại vì có rất ít động lực để nhà đầu tư chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Tây là 570 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng tới 75% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, tại Khâm Châu, dòng vốn FDI đã giảm 71% xuống còn 22,8 triệu USD. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 6,6% lên 11 tỉ USD.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cân nhắc di dời sản xuất để né cơn thịnh nộ của ông Trump và Quảng Tây đang chịu thiệt hại nặng nề trên tuyến đầu của cuộc chiến.

Theo một báo cáo công bố bởi Cục Thống kê Quảng Tây hồi tháng 8, các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là thiết bị điện tử, đang tăng tốc chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á để giảm thiếu tác động của tranh chấp thương mại.

Nanning Fugui Precision Industry, công ty con của hãng Foxconn, đã chuyển số đơn hàng trị giá 3,1 tỉ nhân dân tệ (436 triệu USD) sang Việt Nam gia công trong 4 tháng đầu năm 2019, và dự kiến 10 tỉ nhân dân tệ khác sẽ sớm "dắt nhau" sang Việt Nam.

Quảng Tây đã cố gắng xây dựng các khu thương mại tại biên giới, ở đó sản phẩm có thể gắn mác là hàng Việt Nam trước khi nhà xuất khẩu Trung Quốc đưa ra nước ngoài. Tuy nhiên, phía Việt Nam không mấy mặn mà với kế hoạch này.

Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng đường xá, cầu cống, nhà kho và văn phòng mới, nhưng ở bên kia biên giới, Việt Nam hầu như không thể hiện bước tiến nào. Theo một quan chức từ Bằng Tường cho biết: "Nông dân Việt Nam không sẵn sàng bán đất tư nhân của họ".

Gao Jian, một đại lí người Trung Quốc chuyên giúp đỡ doanh nghiệp của đất nước tỉ dân thành lập nhà máy ở Việt Nam, cho biết có rất ít lợi ích để nhà xuất khẩu chuyến đến Quảng Tây khi họ có thể trực tiếp đầu tư vào Viêt Nam.

"Thuế, đất đai và môi trường làm việc ở Việt Nam hấp dẫn hơn. Chưa kể, chính phủ Việt Nam được cho là sẽ cởi mở hơn trong những năm tới"

Ông Gao Jian chia sẻ.

Ông Simon Zhao, giáo sư tại trường United International College (Chu Hải), cho hay mặc dù sở hữu các khu thương mại tự do, nhiều khu vực tại Trung Quốc đại lục như Quảng Tây sẽ gặp khó khăn hơn bao giờ hết trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi vì ngay cả các điểm đến như Thượng Hải và Quảng Đông cũng phải rất nỗ lực để trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư.

Yên Khê

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.