“Không xử lý được nợ xấu, ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn”
Chỉ còn vài ngày nữa, năm 2016 sẽ kết thúc. Một năm tài chính mới lại bắt đầu, mang đến nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội về triển vọng cũng như thách thức của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm tới.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về điều hành chính sách của NHNN trong năm qua?
Đặc thù là trong năm 2016, việc điều hành của NHNN là do hai Thống đốc. Nhìn chung đến thời điểm này, các điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta vẫn kế thừa được những thành công của những nhiệm kỳ trước và đặt ra được những vấn đề mới. Chưa có bao giờ sức ép lên VND từ các thị trường, từ những người vận hành hành chính lại lớn như cuối năm 2016, đặc biệt là một số lập luận của các nhà khoa học về vốn, như phá giá đồng tiền hiện đang chênh lệch so với đồng Nhân dân tệ là quá lớn, rồi các yêu cầu đòi xem xét lại Nghị định 24 về giá vàng, về quản lý nguồn vốn. Có thể thấy những áp lực đó rất lớn, nhưng chúng ta đã vượt qua được.
Nhưng cũng có những tồn tại trong mấy tháng vừa qua mà NHNN phải rút kinh nghiệm. Cái rút kinh nghiệm thứ nhất là phản ứng chính sách.
Trong những ngày xuất hiện thông tin về việc đổi tiền, phản ứng của NHNN là nhanh, nhưng không đúng. Do đây là thông tin đồn vô căn cứ từ mạng xã hội nên cách phản ứng theo tôi nghĩ và theo thông lệ quốc tế người ta làm thì kẻ gây chiến thông tin bằng hình thức nào thì mình đáp trả lại bằng hình thức đó, sau đó mới sử dụng đến nhiều phương tiện khác để vượt qua.
Thứ hai là việc xử lý xây dựng hệ thống chính sách để xử lý nợ xấu của VAMC thì làm tốt ở khâu thượng tầng, tức là làm tốt ở khâu với Trung ương, với Bộ Chính trị nhưng lại làm chưa tốt ở khâu các đại biểu Quốc hội, thế cho nên mỗi lần làm cái đó là rất vất vả. Và quan trọng nhất là phương thức chia sẻ trách nhiệm trong xử lý nợ xấu và tiếp xúc truyền thông chưa tốt, cho nên bây giờ người ta dồn vào nói đấy là lỗi của các tổ chức tín dụng. Đó là 2 hạn chế trong năm qua mà cần khắc phục trong năm 2017.
Vậy đâu sẽ là những thách thức chính của NHNN trong năm 2017, thưa ông?
Đó là xử lý nợ xấu. Nếu NHNN trong hai năm 2017 và 2018 không xử lý được nợ xấu thì lãi suất cho vay toàn bộ của nền tế sẽ vẫn ở mức cao. Mặc dù trong năm 2016 lãi suất đã giảm từ 0,5% đến 1% tuỳ lĩnh vực nhưng so với mặt bằng giá vốn của mình trong khu vực thì vẫn rất cao. Và nếu lãi suất cho vay cứ duy trì ở mức cao như thế sẽ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bị mất đi.
Cho nên, nếu 2017 và 2018 không xử lý cơ bản nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu nằm trong VAMC thì chúng ta sẽ gặp khó khăn. Bởi cứ tưởng tượng, sang năm 2017 tới, nếu ông Donald Trump quyết định hút vốn đầu tư về thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ dòng vốn FDI, khi dòng vốn này hạ thấp xuống thì tất cả những kênh khác sẽ được nâng lên để bù đắp vốn. Đến lúc đó sẽ không còn tính cạnh tranh của giá vốn nữa. Mà khi như thế bản thân lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ giảm.
Ngoài vấn đề nợ xấu thì còn vấn đề gì tồn tại NHNN cần giải quyết trong năm tới không, thưa ông?
Chỉ nợ xấu thôi, nếu không giải quyết được nợ xấu thì ngành ngân hàng trong vòng hai năm tới sẽ rất khó khăn.
Vậy ông có đề xuất gì giúp hệ thống ngân hàng giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Thật ra bản thân cá nhân tôi cũng đã tham gia làm luật giúp NHNN giải quyết nợ xấu, như luật đấu giá tài sản, đã giành hẳn một mục để VAMC đấu giá tài sản. Và nếu cần, trong thời gian tới sẽ có hẳn một Nghị quyết của Quốc hội để xử lý dứt điểm nợ xấu. Chúng ta đã có hai năm 2015 và 2016 để trích lập dự phòng rủi ro, vậy nên, đến năm 2017, những hàng nào còn tốt thì nên đem bán trước, còn đâu đến năm 2018 bán tiếp. Như vậy, chúng ta có thể giảm nợ xấu từ 220 nghìn tỷ xuống còn 70-80 nghìn tỷ sau hai năm tới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!