|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không phải Zalo, Telegram,... đây mới là nơi người dùng tìm đến đầu tiên mỗi khi Facebook sập

13:10 | 07/10/2021
Chia sẻ
Khi Facebook gặp sự cố hôm 4/10, DownDetector nhận được tới 15 triệu lượt báo cáo lỗi từ người dùng.

Khi Facebook sập hôm 4/10, trang theo dõi trực tuyến Downdetector là một trong những nơi đầu tiên mà người dùng mạng xã hội này tìm đến để tìm hiểu điều gì đang xảy ra, theo Bloomberg.

Downdetector, sử dụng thông tin do chính người dùng đóng góp để theo dõi tình trạng của các dịch vụ trực tuyến, nhận ra vấn đề Facebook gặp phải lần này không giống với những sự cố trước đó. Hệ thống của Downdetector tự động gửi đi một thông báo, bao gồm cả thông báo trên Twitter, để người dùng biết kết nối Facebook đang bị gián đoạn.

Đây là nơi người dùng tìm đến đầu tiên để 'mách lẻo' khi Facebook sập - Ảnh 1.

Downdetector là nơi nhiều người tìm đến khi các dịch vụ Internet phổ biến gặp sự cố. (Ảnh: Bloomberg).

Vụ việc xảy ra hôm 4/10 là một trong những sự cố lớn nhất mà Downdetector từng ghi nhận, ông Luke Deryckx, giám đốc công nghệ tại Ookla LLC, công ty sở hữu Downdetector, cho biết.

"Downdetector là phương tiện để người dùng báo cáo các vấn đề người dùng gặp phải", ông chia sẻ. "Trong trường hợp này, chúng tôi nhận được những dấu hiệu rõ ràng và gần như ngay lập tức mà vấn đề mà Facebook phải đối mặt", ông nói thêm.

Ý tưởng về Downdetector được "thai nghén" tại một quán bar ở Haarlem, một thành phố ở Hàn Lan, vào tháng 2/2012. Khi đó, Tom Sanders và Sander van de Graaf đều đang làm việc tại IDG Communications Inc, công ty xuất bản một số ấn phẩm công nghệ nổi tiếng như CIO và Computerworld.

Van de Graaf là một lập trình viên và Sanders là tổng biên tập. Lúc đó, bạn đọc thường gọi đến toà soạn để thông báo sự cố của một công ty hoặc nhà cung cấp dịch vụ nào đó. Dù vậy, các phóng viên có thể phải đợi hàng giờ, hoặc thậm chí không nhận được phản hồi, về sự cố từ công ty.

"Chúng tôi nghĩ vì sao không có cách nào để tự động vấn đề này và chúng tôi không phải liên hệ với công ty và làm sao để chúng tôi có thể tự mình lấy dữ liệu?", theo ông Van de Graaf.

Hai người xây dựng bản dựng đầu tiên của sản phẩm chỉ trong một buổi chiều với đối tượng theo dõi là toàn bộ các ngân hàng, công ty và nhà cung cấp dịch vụ di động ở Hà Lan. Trong năm đầu hoạt động, Downdetector bổ sung thêm thị trường Đức.

Ban đầu, Van de Graaf và Sanders coi Downdetector là một dự án "tay trái". Dù vậy, hai người sau đó nghỉ việc tại toà soạn để tập trung vào sản phẩm của mình.

Đến năm hoạt động thứ ba, Downdetector mở rộng ra 21 quốc gia. Dù vậy, họ vẫn là 2 nhân sự duy nhất của công ty khi bán nó cho Ookla vào năm 2018. Van de Graaf từ chối chia sẻ số tiền mà Ookla bỏ ra để mua Downdetector. Sanders sau đó trở thành giám đốc sản phẩm tại Ookla trước khi rời công ty vào năm 2020. Van de Graaf hiện vẫn đang làm việc ở Ookla trong vai trò kiến trúc sư trưởng.

Mặc dù công ty có phần lớn doanh thu đến từ quảng cáo, Downdetector cũng thu phí đăng ký với những ai muốn dùng giao diện lập trình ứng dụng (API) của nó. Công cụ này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ internet, nhà mạng di động và trung tâm vận hành kết nối có thông tin về tình trạng kết nối của hệ thống gần như theo thời gian thực, theo ông Deryckx.

Với sự cố mới nhất của Facebook, Downdetector tuyên bố lỗi sau khi nhận được hơn 100.000 báo cáo khắp nơi trên thế giới. Tổng cộng, Downdetector nhận được tới 15 triệu báo cáo từ người dùng gặp phải vấn đề với Facebook.

Van de Graaf cho biết sự cố lớn gần nhất mà Downdetector ghi nhận là vào cuối năm 2020 khi YouTube gặp vấn đề. Ông nói rằng mỗi năm luôn có "một hoặc hai sự kiện lớn" và điều này sẽ không thay đổi.

Nam Khánh