|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không nhắc đến ngân hàng, CTCK khuyến nghị mua nhiều nhất cổ phiếu ngành nào 3 tháng cuối năm?

12:40 | 07/10/2021
Chia sẻ
Hai điểm nhấn đầu tư chính được các công ty chứng khoán đưa ra là việc đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cũng như nhu cầu sẽ phục hồi sau khi kinh tế mở cửa. Cùng với đó, CTCK giữ quan điểm trung lập hoặc không khuyến nghị với cổ phiếu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2021.

Sau khi biến động theo biên hộ hẹp trong tháng 9 trước tình hình dịch bệnh phức tạp và ảnh hưởng tâm lý từ khủng hoảng nợ của Tập đoàn Bất động sản China Evergrande, thị trường chứng khoán đã lấy lại tín hiệu tích cực bằng việc chinh phục thành công ngưỡng cản tại 1.360 điểm.

Với 3 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đóng cửa phiên 6/10 tại 1.362,82 điểm, tăng 8,19 điểm (tương đương 0,6%). Tương tự, HNX-Index cũng tăng 0,54% còn UPCoM-Index tăng 0,5%. Tại mức giá hiện nay, VN-Index đã lùi về giao dịch ở mức P/E khoảng 16 lần, giảm khoảng 15% so với mức đỉnh trong tháng 7. 

Do đó, các công ty chứng khoán thống nhất với quan điểm thị trường đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng COVID-19 lần thứ tư và sẽ sớm biến động theo triển vọng kinh doanh năm 2022 và triển vọng phục hồi kinh tế sau mở cửa.

Trên cơ sở đó, các công ty đưa ra chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán dựa trên hai luận điểm hỗ trợ chủ yếu.

Nhu cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ khi nền kinh tế tăng tốc trở lại

Theo quan sát, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều có diễn biến tích cực khi tình hình dịch được cải thiện, số ca nhiễm mới đạt đỉnh và các quy định về cách ly xã hội được nới lỏng. 

Cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị - Ảnh 1.

Số ca mắc mới COVID-19 dường như đã đạt đỉnh và đang giảm dần. (Nguồn: Mirae Asset Việt Nam).

Đối với thị trường Việt Nam, kịch bản tương tự được kỳ vọng sẽ diễn ra trong quý IV khi tốc độ tiêm vắc xin đang được đẩy nhanh tại các thành phố lớn, số ca nhiễm mới đã qua giai đoạn đỉnh và Chính phủ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.

Với việc dần mở cửa kinh tế và tái khởi động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng hậu COVID-19 trong bối cảnh chính sách tiền tệ và tài khóa đều mang tính chất hỗ trợ.

Một trong những nhóm hưởng lợi trực tiếp là bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu (như thép, xi măng, nhựa đường,...). Dịch bệnh vẫn là rào cản cho tiến độ giao dịch và cho thuê bất động sản trong những tháng đầu năm, do đó việc "mở khóa" giao dịch trong những tháng cuối năm sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nút thắt kinh doanh.

Đối với nhóm xuất nhập khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ...hay các nhóm dịch vụ như cảng biển, logistics đều được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực, đặc biệt ở những doanh nghiệp có sức chống chịu cao và khả năng tái khởi động kinh doanh ngay sau dịch.

Chiến lược đầu tư nổi bật khi kinh tế tái mở cửa: cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn? - Ảnh 2.

Nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. (Nguồn: BSC).

Đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng là đầu kéo kinh tế chính

Điểm nhấn đầu tư thứ hai được các công ty chứng khoán nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi kinh tế chính là đầu tư công. Tuy vậy, các nhà phân tích lưu ý rằng tiến độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn chậm.

Chiến lược đầu tư nổi bật khi kinh tế tái mở cửa: cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn? - Ảnh 3.

Nguồn: Agriseco Research.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công ước tính đạt 276,3 nghìn tỷ đồng, thực hiện 57,3% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mục tiêu giải ngân 60% kế hoạch vào quý III vẫn chưa hoàn thành do tình hình giãn cách xã hội.

Do đó, với các động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư trong những tháng cuối năm, các công ty chứng khoán kỳ vọng đây sẽ là "đầu kéo" chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Quý IV và năm 2022. Điều này tạo động lực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng (điện) và bất động sản, vật liệu xây dựng....

Ngành ngân hàng đã hết "vị" trong năm 2021?

Chiến lược đầu tư nổi bật khi kinh tế tái mở cửa: cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn? - Ảnh 4.

Thống kê khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại câu chuyện mua gì cho ba tháng cuối năm, có thể thấy nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường không còn là một trong những ngành ưu tiên khi xây dựng xu hướng đầu tư cho 3 tháng cuối năm 2021. Điểm chung được nhiều công ty chứng khoán đưa ra là quan điểm trung lập đối với tiềm năng tăng trưởng kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu gồm TCB, VPB, TPB. Quan điểm của Yuanta là thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang dồi dào ở kỳ ngắn hạn do tiền gửi ngắn ngày của người dân tăng lên trong thời gian giãn cách. Đây có thể là động lực phát triển tín dụng cho ngân hàng sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy vậy, phần đông các công ty chứng khoán cho rằng mức định giá chung trong năm 2021 của ngành ngân hàng đã tương đối hợp lý với chỉ số thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) là 2x lần, giảm 13% so với mức đỉnh. Việc dự đoán trước tình hình lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh thứ 4 khiến giá cổ phiếu đã giảm 15% từ vùng đỉnh.

Do đó, nếu lựa chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu "vua", Chứng khoán VNDirect khuyến nghị NĐT nên lưu ý về khả năng phân hóa mạnh mẽ trong những tháng cuối năm và ưu tiên lựa chọn những ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc, dư địa tăng trưởng tín dụng lớn hoặc có khoản trích lập dự phòng lớn để đầu tư với tầm nhìn kéo dài tới năm 2022.

Thảo Bùi