|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không để câu chuyện 'giải cứu' nông sản tái diễn

14:29 | 22/01/2019
Chia sẻ
Để cụm từ “giải cứu nông sản” không còn xuất hiện trong 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam cần làm tốt khâu thị trường, sản xuất nông sản sạch, truy suất nguồn gốc và liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi. Các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch nông sản.

Giải quyết câu chuyện "giải cứu" nông sản

Tại buổi họp báo Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức, để đánh giá lại “bức tranh” sản xuất, tiêu thụ thị trường nông sản.

khong de cau chuyen giai cuu nong san tai dien
Họp báo Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019. Ảnh: Đức Quỳnh

Ông Toản đánh giá “Xưa nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn quen với vệc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần. Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy và thói quen của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất”.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay nhu cầu thực phẩm của người tiêu dung hiện nay đã có sự chọn lựa rất rõ ràng, từ thực tế này người nông dân và doanh nghiệp cũng cần thay đổi theo.

Chẳng hạn, người dân vẫn quen dùng thịt tươi vì cho rằng loại thịt này “sạch” và giữ nguyên các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy thịt sau khi giết chỉ vài phút đã bị nhiễm khuẩn và xu hướng dùng thịt mát đang dần hình thành.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa tiêu chuẩn thịt mát và một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất loại thịt này như nhà máy Biển Đông, nhà máy chế biến của Massan tại Hà Nam.

Ngoài ra, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay việc xây dựng hạ tầng để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ hỗ trợ các địa phương sản xuất trọng điểm nông nghiệp.

Ông Toản cho rằng để cụm từ “giải cứu nông sản” không còn xuất hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Việt Nam cần làm tốt khâu thị trường, sản xuất nông sản sạch, truy suất nguồn gốc và liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các sản phẩm nông sản.

Tiến sĩ Võ Trí Thành đánh giá mặc dù đầu tư vào nông nghiệp kém hấp dẫn như những ngành khác nhưng nếu được đầu tư thỏa đáng thì sức hút của ngành này tăng lên rất nhiều.

Tăng xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

Nói về thị trường Trung Quốc, ông Toản nhận định đây không còn là “khách hàng” dễ tính nữa. Sự chuyển dịch tầng lớp diễn ra rất mạnh mẽ khi có tới 60% lượng người thuộc tầng lớp trung lưu do đó nhu cầu các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo.

“Quản điểm của Cục chế biến và Phát triển Thị trường nông sản là nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch, làm ăn chính ngạch, tiêu chuẩn hóa các mặt hàng nông sản”, ông Toản cho hay.

Ngoài ra, thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, ông Toản khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này đồng thời hướng tới làm ăn bài bản.

Thực hiện Nghị Quyết số 19/2018/NQ-CP ngày về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản phối hợp cùng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức "Diễn đàn thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ Nông sản Việt Nam 2019” dự kiến vào ngày 22/2/2019 tại Hà Nội.

Diễn đàn là cơ hội cho các nhà quản lý và doanh nghiệp trao đổi, phân tích, đánh giá cơ hội, triển vọng của hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam; động viên, khích lệ doanh nghiệp, hiệp hội trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản.

Xem thêm