'Không có chuyện mua, bán chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao'
Hôm 23/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DNHVNCLC), đã công bố trên tài khoản Facebook cá nhân về việc người tiêu dùng bình chọn sản phẩm của Asanzo là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hội DNHVNCLC chỉ cấp chứng nhận cho hai sản phẩm của Asanzo
Bà Hạnh nói người tiêu dùng bình chọn hai sản phẩm thuộc ngành Điện tử gia dụng của Asanzo là hàng Việt Nam chất lượng cao. Chúng bao gồm tivi và thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất). Các sản phẩm khác của Asanzo thuộc ngành máy móc gia dụng không được người tiêu dùng bình chọn (dữ liệu điều tra ghi nhận cụ thể và ban tổ chức cuộc điều tra cũng thông báo cho doanh nghiệp như vậy).
Một giấy chứng nhận
Nội dung bài điều tra của báo Tuổi Trẻ nêu rõ: Ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu (Asanzo) từ Trung Quốc. Trong năm 2018, 2019, công ty CP tập đoàn Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu từ Trung Quốc.
Đối chiếu với hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (một phần của thủ tục để nhận danh hiệu), Hội nhận thấy thông tin Asanzo sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (được người tiêu dùng bình chọn) tại hai nhà máy có diện tích 5.000 m2 và 1.740 m2 không phản ánh đúng thực tế.
"Như vậy, bên cạnh thông tin điều tra của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện hành vi cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo, cũng là sự vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận. Do đó, chúng tôi tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng", bà Hạnh nhấn mạnh.
Không có chuyện mua, bán chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao
Nữ chủ tịch khẳng định Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cấp giấy chứng nhận cho tất cả sản phẩm của doanh nghiệp và tuyệt nhiên không ai có thể "kinh doanh mua bán" chứng nhận này .
"Ban chấp hành Hội sẽ họp ngay vào đầu tuần. Bên cạnh việc bàn kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm là tập trung tổng rà soát tất cả danh sách doanh nghiệp được bình chọn 2019 trong tình hình đặc biệt hiện nay, việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ VN ngày càng nghiêm trọng", bà Hạnh viết.
Bình luận về nội dung bà Hạnh công bố, một số người chỉ ra điểm bất cập: Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá và cấp giấy chứng nhận dựa trên bầu chọn của người tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng tin tưởng quảng cáo của doanh nghiệp. Sau khi cấp chứng nhận, Hội cũng như người dân không có chức năng, cũng chẳng có cách nào để theo dõi chất lượng của hàng hóa. Việc duy trì chất lượng sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào đạo đức của nhà sản xuất.
"Và khi doanh nghiệp đã có chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, người dân lại càng tin tưởng sản phẩm hơn", một người lập luận.
Một số người khác nhận định rằng, căn cứ nội dung mà bà Hạnh công bố, doanh nghiệp có thể kê khai tùy ý thông tin trong hồ sơ mà họ trình lên Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Hội không hề, hoặc không có khả năng, kiểm chứng thông tin mà doanh nghiệp kê khai. Chỉ đến khi biến cố xảy ra, Hội mới biết doanh nghiệp kê khai không đúng.
"Hỏi thật chị Hạnh là nếu bài điều tra của Tuổi Trẻ không xuất hiện thì Hội của chị sẽ làm gì? Ngoài việc bình chọn sản phẩm hàng năm, Hội đã làm gì để người tiêu dùng biết thêm về các nhãn hiệu nổi tiếng?", một tài khoản có tên Nguyen Tan bày tỏ.