|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không chỉ Việt Á ở Việt Nam, lùm xùm quanh kit xét nghiệm còn nổ ra trên khắp thế giới

06:36 | 27/12/2021
Chia sẻ
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới cho đến nay, hành vi trục lợi từ kit xét nghiệm như Công ty Việt Á ở Việt Nam hay từ dịch vụ xét nghiệm không phải là hiếm trên thế giới.

Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm tại Việt Nam

Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 4 năm ngoái, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, doanh nghiệp này đã cung ứng kit cho 62 tỉnh thành, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Không chỉ Việt Á ở Việt Nam, lùm xùm quanh kit xét nghiệm còn nổ ra trên khắp thế giới - Ảnh 1.

Ông Phan Quốc Việt (giữa ảnh) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. (Ảnh: Tiền Phong).

Theo tờ Pháp luật TP HCM, kết quả điều tra ban đầu cho thấy Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành.

Tiếp theo, ông Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá,... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Việt Á theo mức giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đặc biệt, Việt Á còn thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, Pháp luật TP HCM nhấn mạnh.

Trên thực tế, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, hành vi trục lợi từ kit xét nghiệm như Việt Á hay từ dịch vụ xét nghiệm không phải là hiếm. Dưới đây là một số vụ bê bối liên quan đến kit xét nghiệm hoặc dịch vụ xét nghiệm COVID-19 trong hai năm qua:

Ấn Độ nghi doanh nghiệp trục lợi từ kit của Trung Quốc

Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hủy đơn đặt hàng đối với các kit xét nghiệm Trung Quốc do hãng Real Metabolics (trụ sở tại Ấn Độ) phân phối. Công ty này bị cáo buộc là nâng khống giá bán kit xét nghiệm.

Chi tiết về vụ bê bối trên chỉ được tiết lộ sau khi vụ tranh chấp pháp lý giữa Real Metabolics và công ty nhập khẩu dụng cụ y tế có tên Matrix được đệ trình lên Tòa án Tối cao Delhi.

Theo hãng tin NDTV, thông qua Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), chính quyền New Delhi đã đặt 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể nhanh từ công ty Guangzhou Wondfo (trụ sở tại Trung Quốc).

Matrix là công ty đứng ra nhập khẩu số kit trên, giá mỗi sản phẩm là khoảng 245 rupee (tương đương hơn 74.000 đồng). Tuy nhiên, hai nhà phân phối gồm Real Metabolics và Aark Pharmaceuticals đã yêu cầu chính phủ trả 600 rupee (hơn 181.800 đồng) cho mỗi kit xét nghiệm, tăng giá đến 140%.

Không chỉ Việt Á ở Việt Nam, lùm xùm quanh kit xét nghiệm còn nổ ra trên khắp thế giới - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: NDTV).

Rắc rối phát sinh khi chính quyền bang Tamil Nadu cũng mua kit xét nghiệm của Guangzhou Wondfo với giá 600 rupee/kit từ Matrix, thông qua một nhà phân phối khác là Shan Biotech.

Real Metabolics đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao, tuyên bố họ là nhà phân phối độc quyền cho bộ kit do Matrix nhập khẩu, đồng thời cáo buộc Matrix vi phạm hợp đồng khi "bắt tay" với Shan Biotech.

Cuối cùng, Tòa án Tối cao Delhi nhận thấy các bên đang "nâng khống" giá kit xét nghiệm và yêu cầu họ phải hạ giá sản phẩm xuống còn 400 rupee/kit. Ở diễn biến khác, chính phủ Ấn Độ còn nhận thấy các kit xét nghiệm của Guangzhou Wondo "hiệu quả rất kém", yêu cầu các bang và bệnh viện ngừng sử dụng loại kit này.

Philippines giao hợp đồng triệu đô cho công ty có chủ đang bị truy nã

Giữa năm nay, công chúng Philippines bắt đầu xôn xao khi các quan chức nước này ráo riết tìm hiểu tại sao chính phủ lại trao một hợp đồng cung ứng vật tư y tế cho Pharmally Pharmaceutical, dù chủ sở hữu của công ty Đài Loan này đang bị truy nã quốc tế do bị nghi ngờ gian lận chứng khoán.

SCMP đưa tin, trong giai đoạn tháng 3/2020 - tháng 7/2021, chính phủ Philippines đã đặt nhiều đơn hàng mua thiết bị bảo hộ y tế, khẩu trang và kit xét nghiệm trị giá tổng cộng 8,7 tỷ peso (tương đương 173 triệu USD) với Pharmally.

Không chỉ Việt Á ở Việt Nam, lùm xùm quanh kit xét nghiệm còn nổ ra trên khắp thế giới - Ảnh 3.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Cựu cố vấn Michael Yang của ông Duterte được cho là có một số liên hệ với Pharmally. (Ảnh: AP).

Thậm chí, chính phủ Philippines vẫn tiếp tục mua hàng từ Pharmally ngay cả sau khi ông chủ của công ty là Huang Tzu Yen bị Văn phòng Công tố quận Đài Bắc điều tra vào tháng 8 năm ngoái, sau đó trở thành đối tượng bị truy nã quốc tế vào ngày 29/12 với cha của mình là ông Huang Wen Lie.

Hồ sơ mua bán cho thấy, lần gần nhất chính phủ Philippines mua vật tư y tế từ Pharmally là vào tháng 6 và tháng 7 năm nay. Hai đơn hàng lần lượt trị giá 774 triệu peso và 1 tỷ peso, toàn bộ là kit xét nghiệm. Hai thỏa thuận này được thực hiện khi hai cha con chủ Pharmally đang chạy trốn.

Ông Lloy Christopher Lao, Thứ tưởng Bộ Quản lý Ngân sách Philippines, thừa nhận trước Thượng viện rằng ông đã bỏ qua các cuộc kiểm tra "thẩm định" đối với Pharmally vì ông gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo nguồn cung vật tư để chống dịch. 

Ở diễn biến khác, ông Michael Yang - cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng được cho là dính dáng đến vụ việc. Hồi tháng 9, các thượng nghị sĩ Philippines đã xem một video năm 2017, trong đó ông Yang đã giới thiệu Tổng thống Duterte với các giám đốc cấp cao của Pharmally tại phủ tổng thống. 

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros bình luận: "Dường như Pharmally có cả bạn bè ở những vị trí rất cao".

Doanh nghiệp Mỹ, Anh kiếm chác từ dịch vụ xét nghiệm

Ngoài nâng khống giá kit xét nghiệm, các công ty tư nhân cũng bị cáo buộc kiếm tiền từ đại dịch COVID-19 bằng cách cung cấp dịch vụ xét nghiệm đắt đỏ cho khách hàng.

Hiện tại, hầu hết các nước đều yêu cầu du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48 - 72 giờ trước khi bay hoặc nhập cảnh. Do đó, hàng trăm công ty xét nghiệm đã mọc lên như nấm ở Mỹ cũng như Anh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dù vậy, đa phần đều hoạt động một cách không kiểm soát.

Tờ Guardian đưa tin, nhiều hành khách phải trả tới 330 bảng Anh (tương đương gần 11 triệu đồng) để nhận được kết quả xét nghiệm nhanh chóng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp họ đã bị trễ chuyến bay vì kết quả không đến kịp lúc như cam kết của doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp khác, khách hàng thậm chí không thể nhận kết quả xét nghiệm, liên hệ với công ty dịch vụ thì bất thành. Đôi khi, họ không chỉ mất luôn tiền xét nghiệm mà còn cả chi phí vé máy bay cùng nhiều khoản khác.

Tại Mỹ, giá xét nghiệm có thể tăng cao đến hơn 2.300 USD (hơn 52 triệu đồng) hoặc thậm chí tới hơn 6.900 USD (tương đương hơn 157 triệu đồng) cho một lần xét nghiệm riêng lẻ. 

New York Times nhấn mạnh, việc chính phủ các nước không kiểm soát giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một nguyên nhân khiến chi phí xét nghiệm COVID tăng cao gấp 10 - 20 lần so với thông thường.

Khả Nhân