|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Vụ Việt Á là 'cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt' nhưng cần sớm chấm dứt để cán bộ yên lòng

16:34 | 29/05/2023
Chia sẻ
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vụ Việt Á đáng lên án và phải trả giá quá đắt. Tuy nhiên xử lý những người tham ô, tham nhũng những cũng nên xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch và nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng.

Báo cáo Quốc hội tại phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đoàn giám sát cho biết, tính đến ngày 31/12, tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 230.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2020 là 25.000 tỷ đồng, năm 2021 là 120.600 tỷ đồng, năm 2022 là 84.400 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng; huy động các nguồn khác là 43.600 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2022, kinh phí đã sử dụng để mua vaccine phòng COVID-19 là 15.134,76 tỷ đồng/102.383.206 liều. Trong đó, ngân sách nhà nước là 7.467,18 tỷ đồng; Quỹ vaccine là 7.667,58 tỷ đồng.

Số kinh phí còn lại chưa sử dụng là 262,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 137,3 tỷ đồng, Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 125,2 tỷ đồng. Bộ Y tế đã thực hiện nộp trả ngân sách nhà nước và hoàn trả Quỹ vaccine theo quy định. 

Đoàn giám sát cho hay, kinh phí hỗ trợ sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng/8,8 tỷ đồng từ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Số này cấp cho Viện vaccine và Sinh phẩm Y tế để hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine COVIVAC.

Đến 31/12/2022 mới tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2; số kinh phí còn lại, chưa sử dụng 4,2 tỷ đồng đã hoàn trả. Con số đáng chú ý là, kinh phí mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng, thu phí dịch vụ xét nghiệm là 534,7 tỷ đồng.

Kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ kít xét nghiệm) là 5.291 tỷ  đồng. Kinh phí khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 là 719,871 tỷ đồng.

Đoàn giám sát đánh giá, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Sau khi kiểm soát được dịch, chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Báo cáo cũng nêu rõ, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch.

Đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19. Nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.

Sớm chấm dứt vụ Việt Á để cán bộ vững lòng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế đại dịch COVID-19 thành công nhất. Song, dẫn báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu cho hay, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ...

Đại biểu cho rằng, có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test, sự việc này thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn. Tuy nhiên theo đại biểu ai tham ô, tham nhũng cần phải xử lý thật nghiêm khắc song cũng xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội.

"Nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng”, đại biểu Trí nhấn mạnh.

Với công tác vaccine, đại biểu cũng đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid -19 ở Việt Nam, vì bây giờ đã quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này, cần tìm mua loại vaccine chống COVID-19 tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng nêu ra nhiều điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Theo đại biểu, dịch bệnh COVID-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành y tế. Thực tế cho thấy, vấn đề huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn.

Đại biểu Lan cũng chia sẻ thực tiễn của TP HCM trong thời điểm tâm dịch COVID-19 là: "Mặc dù rất cần tiền nhưng chúng tôi phải nói với cơ sở, doanh nghiệp muốn đóng góp là đề nghị đóng góp bằng hiện vật bởi đóng góp bằng tiền Thành phố cũng không tiêu được".

Đại biểu bày tỏ lo ngại vấn đề nếu dịch bệnh quay trở lại liệu có đủ nguồn lực về con người về tài chính để chống dịch hay không bởi số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch COVID-19 là quá lớn.Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm xây dựng nền y tế, phải có những cơ chế và bảo vệ cho người làm không để xảy ra những vụ việc như vừa qua.

Hạ An