Khối tiền mặt và tiền gửi của Hòa Phát lần đầu vượt 2 tỷ USD
Tính đến ngày 31/3 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có tổng tài sản gần 186.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7.600 tỷ so với cuối năm 2021 và là đỉnh mới trong lịch sử của Hòa Phát.
Xét theo giá trị tuyệt đối, tài sản dài hạn chỉ tăng khoảng 1.300 tỷ còn tài sản ngắn hạn đi lên tới 6.300 tỷ.
Vì vậy, tỷ trọng của tài sản dài hạn giảm nhẹ so với mức 47% tại ngày cuối quý IV/2021, xuống còn 46%. Tài sản ngắn hạn chiếm 54% còn lại. Thống kê bên dưới cho thấy liên tục từ cuối quý II/2021 đến nay, tài sản ngắn hạn của Hòa Phát luôn lớn hơn tài sản dài hạn.
Cụ thể trong tài sản ngắn hạn, tiền và tương đương tiền giảm hơn 3.400 tỷ nhưng tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn dưới 12 tháng vọt lên hơn 9.000 tỷ. Vì vậy, tổng tiền mặt và tiền gửi tăng 5.600 tỷ trong ba tháng đầu năm 2022. Đây chính là nhân tố chính thúc đẩy tài sản ngắn hạn của Hòa Phát đi lên.
Tại ngày 31/3, Hòa Phát có tổng cộng 46.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tương đương 2 tỷ USD và là mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay tại Hòa Phát.
Khối tiền gửi ngân hàng nói trên giúp Hòa Phát thu được 416,5 tỷ đồng tiền lãi trong ba tháng đầu năm 2022, tăng 81,5% so với cùng kỳ 2021.
Bên cạnh tiền mặt và tiền gửi, một khoản mục tài sản ngắn hạn khác là các khoản phải thu cũng tăng thêm gần 4.500 tỷ.
Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho giảm 5% còn 40.000 tỷ đồng. Các tài sản ngắn hạn khác cũng giảm 46% còn gần 2.000 tỷ.
Giá trị tồn kho thành phẩm của Hòa Phát chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng. Loại tồn kho quan trọng nhất của tập đoàn là nguyên liệu và vật liệu, trị giá gần 20.200 tỷ đồng. Quá trình sản xuất thép đòi hỏi các đầu vào như quặng sắt, than mỡ, đá vôi, … Hòa Phát thường tích trữ lượng nguyên liệu tồn kho đủ dùng trong khoảng 2-3 tháng.
Chuẩn bị khởi công đại dự án Dung Quất 2
Trong khoảng ba năm 2018 – 2020, tài sản dài hạn của Hòa Phát luôn lớn hơn nhiều tài sản ngắn hạn do tập đoàn dồn tiền đầu tư Dự án Khu Liên hợp Dung Quất giai đoạn 1 với tổng quy mô 65.000 tỷ đồng, công suất 5 triệu tấn thép/năm.
Đại đa số lợi nhuận mà Hòa Phát kiếm được trong ba năm 2018 – 2020 đều được dành cho dự án Dung Quất, khiến cho tài sản dài hạn tăng nhanh hơn nhiều so với các khoản mục ngắn hạn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hòa Phát dự kiến chia cổ tức 35%, số cổ phiếu HPG sẽ vượt 5,8 tỷ đơn vị 29/04/2022 - 14:32
Từ đầu năm 2021 đến nay, quá trình đầu tư xây dựng cơ bản ở Dung Quất đã cơ bản hoàn thiện, nhu cầu vốn giảm đi. Hòa Phát vì thế mà bắt đầu tăng tích trữ tiền mặt và dành ra một phần đáng kể lợi nhuận để trả cổ tức tiền mặt.
Trong năm 2022, Hòa Phát dự định khởi công dự án Dung Quất giai đoạn 2 vào tháng 5 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, tức là lớn hơn 20.000 tỷ so với giai đoạn 1. Nguyên nhân là giai đoạn 2 này tập trung vào sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), đòi hỏi các loại máy móc hiện đại và đắt tiền hơn so với thép xây dựng.
Để chuẩn bị cho Dung Quất giai đoạn 2, Hòa Phát đã ký hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, VPBank, MB, TPBank và MSB. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ là đầu mối thu xếp khoản hợp vốn trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất 2.
Nếu kế hoạch đầu tư diễn ra suôn sẻ, tài sản dài hạn của Hòa Phát sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022. Dự án Dung Quất 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2024 hoặc 2025.
Giá trị nợ vay nhiều khả năng cũng sẽ đi lên khi các hợp đồng vay mới ký kết nói trên được giải ngân.
Tại ngày 31/3 năm nay, tổng nợ phải trả của Hòa Phát là gần 86.900 tỷ đồng, còn tổng nợ vay và thuê tài chính (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) là gần 60.200 tỷ đồng, lần lượt chiếm 46,8% và 32,4% tổng nguồn vốn.
Sau khi Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ tăng lên thành 14 triệu tấn mỗi năm, tương đương gần 1,2 triệu tấn mỗi tháng.
Trong quý I năm nay, Hòa Phát tiêu thụ gần 2,2 triệu tấn thép, khoảng 62% trong số này là thép xây dựng.