|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những mục tiêu của Hòa Phát trong năm 2022

17:36 | 20/04/2022
Chia sẻ
Trong năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đặt ra nhiều kế hoạch quan trọng như khởi công dự án 85.000 tỷ đồng ở Dung Quất, hoàn thành nhà máy sản xuất container, xây thêm nhà máy tôn mạ, …

Nhà xưởng trong Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Song Ngọc).

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) dự kiến doanh thu năm 2022 sẽ tiếp tục tăng nhẹ so với năm trước nhờ sản lượng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container từ nhà máy mới và mảng điện máy gia dụng.

Tuy nhiên, 2022 là năm vẫn còn nhiều thách thức khi giá nguyên nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán biến động không tương xứng, chi phí tài chính lên cao hơn do xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt.

Từ cuối tháng 2/2022, cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra đã đẩy giá năng lượng, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu lên cao. Lạm phát gia tăng, động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thúc đẩy xu hướng thắt chặt cung tiền trên toàn cầu; thị trường lao động phục hồi chậm và không chắc chắn là những thách thức trực diện với nền kinh tế trong năm 2022.

Ban lãnh đạo tập đoàn phấn đấu trong năm nay đạt được các mục tiêu: Khởi công và xây dựng một phần giai đoạn 2 của Khu Liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất, hoàn thành và chạy thử nhà máy sản xuất container ở Bà Rịa – Vũng Tàu, duy trì thị phần số 1 trong mảng thép xây dựng và thép ống, ...

Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2

Hòa Phát phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành các giấy tờ pháp lý và đầu tư xây dựng một phần cho Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất giai đoạn 2. Chủ tịch Trần Đình Long dự kiến Dung Quất 2 sẽ hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng sạch, tức là đưa vào vận hành trong năm 2024 thay vì 2025 như kế hoạch trước đó.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định là 70.000 tỷ, vốn lưu động 15.000 tỷ, diện tích đất sử dụng khoảng 284 ha. Công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép mỗi năm, trong đó có 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao.

Sau khi dự án hoàn thành, công suất của toàn tập đoàn Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn thép, bao gồm 8,6 triệu tấn HRC và riêng Khu liên hợp Dung Quất góp tới 11 triệu tấn.

 

Ngày 17/3 năm nay, Hòa Phát đã ký hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, TPBank, VPBank và MSB. Theo hợp đồng này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ là đầu mối thu xếp khoản hợp vốn trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất 2.

Đây là khoản vay lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng, có thời hạn 7 năm. Thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long dự định khởi công Dung Quất 2 trong quý I nhưng không thành.

Nhà máy container

Dự án nhà máy sản xuất container của Hòa Phát nằm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 feet và 40 feet. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm. Tập đoàn dự kiến sẽ chạy thử trong quý III và cung cấp sản phẩm container đầu tiên vào quý IV/2022.

Nguyên liệu chính cho sản xuất container là loại thép HRC mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết. Tại Việt Nam, chỉ có Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất sản xuất được loại thép này.

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong khu vực động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ, gần các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép-Thị Vải và có nhiều lợi thế hỗ trợ cho dự án sản xuất container.

 

Tiếp tục giữ ngôi đầu về thép xây dựng và ống thép, xây thêm nhà máy tôn mạ

Hòa Phát phấn đấu sẽ tiêu thụ hết lượng sản phẩm sản xuất ra trong năm 2022, tiếp tục dẫn đầu thị phần toàn quốc về thép xây dựng và ống thép.

Riêng với mảng tôn mạ, tập đoàn dự kiến sẽ chạy tối đa công suất nhà máy 400.000 tấn/năm tại Hưng Yên, đồng thời xây dựng nhà máy tôn mạ màu, mạ kẽm, mạ lạnh tại phía Nam để phục vụ cho thị trường khu vực này.

Với ống thép, Hòa Phát dự định sẽ xây nhà máy lớn nhất tại tỉnh Long An trong giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu của tập đoàn đến năm 2025 là đạt sản lượng 1,25 triệu tấn và thị phần nâng lên 35%. Thống kê dưới đây cho thấy Hòa Phát hiện đang nắm khoảng 28% thị phần ống thép trong khi đối thủ đứng ngay sau là Hoa Sen kiểm soát khoảng 15%.

 

Dự kiến trong năm 2022, Hòa Phát sẽ đưa dây chuyền PC Wire (thép dự ứng lực) đầu tiên vào hoạt động, hoàn thành dây chuyền PC Strand (cáp thép dự ứng lực) số 2 tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. Mục tiêu là tăng sản lượng PC Strand lên gấp đôi năm 2021.

Hòa Phát cũng lên kế hoạch đưa giai đoạn 3 dây chuyền sản xuất thép dây mạ kẽm đi vào hoạt động. Dây chuyền mới có nhiều cải tiến giúp đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Hàn Quốc...

Cũng trong năm 2022, Hòa Phát dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện kim loại phục vụ xây dựng, cầu đường và góc vỏ container cho nhà máy sản xuất container Hòa Phát. Nhà máy được đặt ngay cạnh dự án container Hòa Phát tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Hòa Phát chưa công bố kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cụ thể. Chứng khoán HSC dự báo năm 2022 Hòa Phát có thể đạt doanh thu thuần 164.773 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và lợi nhuận thuần 31.815 tỷ đồng (giảm 7,7%).

Chứng khoán BSC lại có cái nhìn khác khi cho rằng doanh thu sẽ giảm 3% còn khoảng 145.000 tỷ đồng, dự báo lãi sau thuế tăng gần 5% lên 36.200 tỷ.

BSC cho rằng sản lượng tiêu thụ thép nội địa của Hòa Phát sẽ tăng 9,5% so với 2021 nhờ hưởng lợi từ chính sách tăng giải ngân vốn đầu tư công vào cơ sở hạ tầng; bù đắp cho tăng trưởng xuất khẩu giảm về mức 5% do áp lực cạnh tranh. Quy trình sản xuất khép kín có thể giúp Hòa Phát duy trì biên lợi nhuận gộp mảng thép tương đương năm 2021.

 

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) có cái nhìn bi quan hơn khi dự phóng cả doanh thu lẫn lợi nhuận năm nay đều thấp hơn năm 2021 dựa trên giả định giá thép xây dựng và giá quặng đều điều chỉnh trong quý III. Doanh thu được dự báo giảm gần 5% còn 143.438 tỷ đồng và lãi sau thuế có thể giảm 18% còn 28.281 tỷ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc - Đức Quyền