|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khối nợ 32.000 tỉ USD của doanh nghiệp châu Á lâm nguy vì COVID-19, chỉ các chính phủ mới cứu vãn nổi?

10:48 | 25/03/2020
Chia sẻ
Tổng dư nợ doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên đến 32.000 tỉ USD. Khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính vì COVID-19, các chuyên gia cho rằng chỉ chính phủ mới có đủ khả năng ngăn chặn làn sóng phá sản có thể xảy ra.
Doanh nghiệp châu Á đối mặt với khả năng vỡ nợ vì COVID-19 - Ảnh 1.

Một người đàn ông đeo khẩu trang tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Financial Times đưa tin đại dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. 

Trong những năm qua, chi phí vay rẻ nhờ vào lãi suất thấp đã khuyến khích các công ty này tích tụ đầy những khoản vay với tổng qui mô lên đến hàng chục nghìn tỉ USD. 

Theo thông tin từ hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, trong giai đoạn từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tổng dư nợ doanh nghiệp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp đôi, lên đến 32 nghìn tỉ USD.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy đoanh nghiệp trên toàn cầu vào cảnh thiếu tiền mặt. Nhiều nhà đầu tư lo sợ tình trạng này sẽ tạo ra làn sóng phá sản trong nhiều ngành, từ hàng không cho đến bán lẻ.

Ông John Park, giám đốc điều hành tại công ty tái cấu trúc doanh nghiệp FTI Consulting nhận xét: "Tình hình hiện tại có đôi chút điên rồ. Rất nhiều công ty nhờ chúng tôi tư vấn cách tránh khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán".

Thị trường bất động sản là một trong những lĩnh vực nhức nhối nhất. Theo dữ liệu của Dealogic, tính đến tháng 2/2020, các công ty bất động sản còn 647 tỉ USD nợ trái phiếu chưa thanh toán (tính cả trái phiếu có mệnh giá yết bằng đồng nhân dân tệ và bằng các tiền tệ mạnh).

Theo Plenum China, trong hai tháng đầu năm, doanh số và hoạt động xây dựng tại Trung Quốc đều giảm hơn 20% so với năm ngoái.

Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc, đang nợ hơn 100 tỉ USD. Một nhà phân tích cho biết gần đây Evergrande đã phát hành trái phiếu coupon với lãi suất 13%. Mức lãi suất này cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng về khả năng thanh toán của công ty.

Doanh nghiệp châu Á đối mặt với khả năng vỡ nợ vì COVID-19 - Ảnh 2.

Theo Financial Times, các nhà phân tích nhận định nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ không thể bỏ mặc những công ty "quá lớn để sụp đổ" như Evergrande, và sẽ phải bỏ tiền để giải cứu trong trường hợp xảy ra vỡ nợ.

Tahoe Group – một nhà phát triển bất động sản có qui mô nhỏ hơn Evergrande, có khoảng 730 triệu USD nợ trái phiếu sẽ đáo hạn trong 12 tháng tiếp theo. Tuy nhiên đến nay, tập đoàn này vẫn chưa công bố kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư

Ông James Dilley, đối tác tư vấn giao dịch của PwC tại Hong Kong nhận xét: "Có vẻ như nếu hoạt động của thị trường bất động sản tiếp tục bị gián đoạn thì sẽ ngày càng có nhiều công ty mất khả năng thanh toán và vỡ nợ".

Đại dịch COVID-19 cũng đã khiến giới doanh nghiệp ở Thái Lan ngày càng khó tìm được nguồn tài trợ. Rất nhiều công ty phải chịu thiệt hại nặng nề trước tình cảnh lượng khách du lịch đến xứ sở chùa Vàng giảm mạnh.

Tuần trước, Fitch Ratings nói rằng chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng Thái Lan năm nay "sẽ thấp hơn nhiều" so với năm ngoái.

Fitch Ratings cũng chỉ ra rủi ro của các ngân hàng Việt Nam. Ông Jonathan Cornish, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói rằng: "Các ngân hàng Việt Nam không có nhiều sự bảo vệ trong trường hợp nền kinh tế phải hứng chịu tác động mạnh do COVID-19".

Đại dịch toàn cầu cũng đã khiến một số công ty tại Australia phải cạnh tranh lẫn nhau để tăng thêm vốn chủ sở hữu nhằm có tiền trả nợ. Hôm 20/3, công ty lữ hành Webet và công ty quảng cáo oOh! media cho biết họ sẽ tiến hành gọi vốn khẩn cấp.

Ông David Walter, đối tác của hãng luật Baker McKenzie nói rằng một số công ty Australia đã cân nhắc sử dụng "luật bến cảng an toàn" (safe harbour laws) để bảo vệ các giám đốc trước những nghĩa vụ pháp lí trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Vị luật sư này cho biết thêm: "Một số doanh nghiệp tốt đang phải dùng đến khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng hoặc tìm đến những tổ chức tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp thà trả lãi suất cao còn hơn là rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt hoàn toàn".

Một số nhà đầu tư đã bắt đầu đãi cát tìm vàng để lọc ra các cơ hội tốt trong tình hình này.

Ông Michael Lowy, CEO hãng đầu tư SC Lowy cho biết: "Khối lượng giao dịch của chúng tôi trong tháng 3/2020 lớn hơn nhiều so với năm ngoái. Các công ty như chúng tôi có được cơ hội từ việc tìm kiếm những công ty có thanh khoản tốt và có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".

Oaktree Capital – công ty đầu tư Mỹ đang quản lí khoảng 125 tỉ USD cũng đang đi tìm cơ hội từ những khoản nợ xấu của giới doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương.

Nhưng nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân mạo hiểm sẽ không đủ để cứu vãn các khoản nợ doanh nghiệp của châu Á.

Ông Hamish Douglass, Chủ tịch và đồng sáng lập của công ty quản lí quĩ Magellan Financial Group, nói với khách hàng rằng các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn lây lan COVID-19 sẽ giáng đòn chí mạng tới các công ty sử dụng nhiều nợ trong cơ cấu vốn.

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến 5 giờ chiều ngày 24/3, trên toàn thế giới có hơn 383.900 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 và hơn 16.500 người đã chết vì dịch bệnh này.

Vị chủ tịch này cho rằng chính phủ các nước châu Á có thể sẽ hành động như New Zealand. Ngày 20/3, chính phủ nước này đã cung cấp một khoản vay trị giá 900 triệu NZD (525 triệu USD) để giải cứu hãng hàng không quốc gia.

Ông Douglass kết luận: "Chỉ chính phủ mới có đủ khả năng để cứu các doanh nghiệp".

Giang

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.