|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại xả gần 2.000 tỷ đồng VIC khi giá dò đáy, tập trung gom cổ phiếu bất động sản trong tháng 2

11:47 | 01/03/2022
Chia sẻ
Trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán, lực mua ròng của khối ngoại chỉ đạt 159 tỷ đồng trong tháng 2. Trong đó, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu VIC với quy mô gần 2.000 tỷ đồng khi mã này đã chạm đáy gần 2 năm.

Thị trường bắt đầu năm 2022 không còn quá dễ dàng khi dòng tiền hạ nhiệt, ngay cả những nhóm ngành mang tính dẫn dắt trước đây như "bank, chứng, thép".... dù tăng nhưng chưa thấy sự bứt phá trong khi giá cổ phiếu đã giảm về vùng hợp lý.

Các chỉ số chính gần như duy trì xu hướng sideway, thậm chí có những phiên rực lửa bởi tâm lý bán tháo. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 2, VN-Index dừng tại mốc 1.490,13, chỉ tăng 7% so với tháng trước. HNX-Index thậm chí chỉ tăng 5%, dừng tại mức 440,42 điểm.

Sau giai đoạn tăng nóng, cộng thêm áp lực lạm phát, Fed nâng lãi suất, chiến sự Nga - Ukraine..., NĐT dường như e ngại đổ tiền vào kênh chứng khoán. 

Minh chứng rõ nhất là thanh khoản sụt giảm đáng kể. Thống kê cho thấy, tháng 11/2021, thanh khoản toàn thị trường trung bình 40.000 tỷ đồng/phiên, tháng 12/2021 giảm 17% còn khoảng 33.000 tỷ đồng/phiên. Bước sang năm 2021, thanh khoản chỉ còn 19.400 tỷ đồng/phiên và tăng nhẹ lên 23.000 tỷ đồng trong tháng 2.

Dòng tiền liên tục xoay chuyển giữa các ngành với vòng quay ngắn hơn. Ngoài những nhóm trụ cột, thị trường còn được dẫn dắt bởi những nhóm ngành hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế hoặc bứt phá hậu COVID-19.

Trong đó, khối ngoại cũng dè chừng giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô mua ròng 159 tỷ đồng. Nhóm này tập trung chốt lời cổ phiếu kim loại (1.096 tỷ đồng), bất động sản (580 tỷ đồng), điện (185 tỷ đồng) nhưng cũng đẩy mạnh gom nhóm vận tải (490 tỷ đồng), chứng khoán (332 tỷ đồng).

Xả mạnh VIC, HPG và gom bất động sản trên sàn HOSE

Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup dẫn đầu với giá trị áp đảo 1.994 tỷ đồng sau khi doanh nghiệp này báo lỗ năm 2021.

Tại báo cáo tài chính quý IV/2021, tập đoàn báo lỗ trước thuế là 6.369 tỷ đồng, lỗ sau thuế trong kỳ là 9.249 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ đầu tiên trong lịch sử của ông lớn này.

Hầu hết giao dịch của khối ngoại tại mã này đều được thực hiện qua kênh khớp lệnh, kéo giá cổ phiếu giảm 24% chỉ sau một tuần. Tính xa hơn, cổ phiếu VIC đã giảm 36% từ đầu năm đến nay và hiện dừng ở mức 77.000 đồng/cp, chạm đáy gần 2 năm.

Kế đến, NĐT nước ngoài cũng rút ròng mạnh khỏi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát với quy mô 1.048 tỷ đồng. Trái với VIC, bluechip này có tháng giao dịch khá tích cực khi bắt đầu xu hướng tăng mạnh sau giai đoạn dài điều chỉnh, đặc biệt là sắc tím trần trong phiên giao dịch cuối tháng 2.

Dòng vốn ngoại có động thái rút ròng nhẹ hơn khỏi hai cổ phiếu ngân hàng HDB và CTG với giá trị lần lượt là 499 tỷ đồng và 176 tỷ đồng. Các cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán ròng mạnh trong tháng 2 còn có NVL (338 tỷ đồng), VNM (255 tỷ đồng) và VRE (218 tỷ đồng). 

Khối ngoại cũng không bỏ lỡ đà tăng của nhóm dầu khí và chốt lời hai mã PLX (134 tỷ đồng) và POW (113 tỷ đồng). Về giao dịch chứng chỉ quỹ, duy nhất E1VFVN30 chịu áp lực xả với giá trị 233 tỷ đồng). 

Khối ngoại xả gần 2.000 tỷ đồng VIC khi giá miệt mài dò đáy, tập trung gom bất động sản trong tháng 2 - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, tâm điểm thu hút vốn ngoại trong tháng 2 thuộc về các cổ phiếu bất động sản. Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes dẫn đầu với giá trị mua ròng 482 tỷ đồng. Hai mã khác là DXG và KBC cũng thuộc khẩu vị ưa thích của khối này với quy mô lần lượt là 469 tỷ đồng và 398 tỷ đồng. 

Theo sau lực cầu hướng đến các cổ phiếu ngân hàng khi mua ròng lần lượt STB (337 tỷ đồng) và EIB (299,5 tỷ đồng). 

Ngoài ra, dòng tiền NĐT nước ngoài cũng phân bổ vào nhiều nhóm ngành khác như chứng chỉ quỹ FUEVFVND (440 tỷ đồng), vận tải biển (GMD - 431 tỷ đồng), thực phẩm đồ uống (KDC - 232 tỷ đồng, SAB - 191 tỷ đồng) và bán lẻ (PNJ - 194 tỷ đồng).

Sàn HNX: Chốt lời TNG trên vùng đỉnh

Trong tháng 2, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên bán với quy mô xả hơn 75 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn giá trị bán ròng thuộc về mã TNG (190 tỷ đồng).

Khối này tập trung chốt lời cổ phiếu TNG trong tuần giao dịch cuối tháng trước đà tăng mạnh của mã này. Tính từ cuối tháng 1 đến nay, mã này đã tăng gần 30% và đang neo tại mức giá 35.200 đồng/cp, ngay sát đỉnh lịch sử.

Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã với quy mô không quá 30 tỷ đồng, có thể kể đến VCS (25 tỷ đồng), CEO (6 tỷ đồng), EID (3 tỷ đồng) và TDN (3 tỷ đồng).

Khối ngoại xả gần 2.000 tỷ đồng VIC khi giá miệt mài dò đáy, tập trung gom bất động sản trong tháng 2 - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Trong khi đó, cổ phiếu THD là mã đóng góp phần lớn giá trị mua ròng với 49 tỷ đồng. Nối tiếp, hai cổ phiếu PLC và PVS được gom ròng lần lượt 29 tỷ và 25 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền ngoại còn tìm đến các mã SCI, PVI với giá trị thấp hơn.

Đẩy mạnh mua ròng 137 tỷ đồng trên thị trường UPCoM

Khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng trên thị trường UPCoM trong suốt tháng 2 với quy mô thậm chí còn lớn hơn sàn HOSE, đạt hơn 137 tỷ đồng. 

Cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng 50 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như BSR (38 tỷ đồng), QTP (24,5 tỷ đồng), theo sau là ACV (16 tỷ đồng) và VEA (15 tỷ đồng).

Nổi bật tại chiều bán là giao dịch bán ròng 39 tỷ đồng cổ phiếu ABC của VMG Media. Nhiều khả năng đây là động thái thoái vốn của cổ đông ngoại Yellow Star Investment 6 sau khi đăng ký thoái sạch 4,5 triệu cổ phần của công ty này từ ngày 17/2 đến 16/3.

Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như ABI (6 tỷ đồng), LTG (4 tỷ đồng), FOX (2,5 tỷ đồng) và TCI (1 tỷ đồng).

Khối ngoại xả gần 2.000 tỷ đồng VIC khi giá miệt mài dò đáy, tập trung gom bất động sản trong tháng 2 - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Bảo Ngọc