|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng có đáng để đầu tư: Góc nhìn từ 7 nhóm chỉ số tài chính

08:28 | 01/03/2022
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi ngành ngân hàng có phải lựa chọn tiềm năng trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay? Phân tích những yếu tố tài chính dưới đây của quỹ ngoại sẽ trả lời câu hỏi trên.

Trong cuốn Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường, tác giả đã từng nhắc đến: "Chiến tranh  là thời điểm tốt để có thể đầu tư". Liên quan đến cuộc xung đột của Nga và Ukraine những ngày gần đây, nhà đầu tư trên thị trường tỏ ra thận trọng, quan sát các diễn biến hai bên. 

Các phiên giao dịch trước đó, thị trường biến động rất mạnh, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà điều này còn xảy ra ở hầu hết các thị trường khác.

Trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh, câu hỏi đặt ra là cơ sở nào cho các nhà đầu tư để quyết định mua hay bán một nhóm cổ phiếu? 

Với vị thế là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng luôn được nhà đầu tư cá nhân và tổ chức quan tâm một cách đặc biệt. Trong báo cáo mới đây, công ty quản lý tài sản VietNam Holding Asset Management Ltd. (VNHAM) đã đưa ra 7 lý do nhà đầu tư nên có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục.

Ngành ngân hàng đang tăng trưởng về tín dụng và chất lượng tài sản

VNHAM ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt từ 14 - 15 % so với năm ngoái. Gói hỗ trợ nền kinh tế trị giá 350.000 tỉ đồng ( tương đương 14.7 tỷ USD) được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất/dịch vụ tư nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh tiêu dùng của người dân trong nước. 

Dó đó, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại ở mọi phân khúc bao gồm doanh nghiệp, bán lẻ, SME và doanh nghiệp nhà nước (SOE). 

Liên quan đến nguồn vốn cấp tín dụng, quy mô vốn của TPBank được tăng cường thông qua việc phát hành riêng lẻ và VPBank thoái 49% vốn của công ty tài chính hàng đầu Việt Nam (FE credit) năm 2021. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, MBBank, LienVietPostBank va TPBank đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn trong năm 2022 thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc trái phiếu chuyển đổi.

Cổ phiếu ngân hàng có đáng để đầu tư: Góc nhìn từ 7 nhóm chỉ số tài chính - Ảnh 1.

VPBank bổ sung nguồn vốn nhờ bán công ty con FE Credit. Ảnh: Thu Hà.

NIM trung bình ngành được cải thiện

NIM (Net interest margin) hay còn gọi là biên lợi nhuận ròng. Chỉ số này là sự phần trăm khác biệt giữa lợi nhuận lãi vay và chi phí lãi vay của ngân hàng. Ngành ngân hàng thường sử dụng các chỉ số này để do lường lợi nhuận doanh nghiệp của mình. 

Ngân hàng nhà đã ban hành chính sách tiền tệ mở rộng và đề nghị các ngân hàng có thể tiếp tục đưa ra mức lãi suất thấp. VNHAM kỳ vọng rằng lãi suất trong năm 2022 sẽ tăng trưởng từ từ do nhu cầu vay vốn tương đối dồi dào. 

Các ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng tỉ trọng cho vay bán lẻ và các doanh nghiệp, như vậy có thể bù đắp được phần tăng trưởng lãi suất và duy trì mức NIM trung bình ngành. VNHAM dự đoán mức NIM trung bình năm 2022 sẽ đạt 4%, trong khi năm 2021 (3,87%) và 2020 (3,52%).

CIR giảm và tăng tưởng lợi nhuận sau thuế

Chỉ số CIR (Cost to Income Ratio hay còn gọi là Tỷ lệ chi phí trên thu nhập) là một trong những chỉ số đánh giá hiệu quả vận hành của ngân hàng. Tỷ lệ này là thể hiện chi phí hoạt động chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng. 

VNHAM dự báo chỉ số CIR trung bình ngành sẽ giảm nhẹ và đạt mức 35,7% so với năm trước (2021: 37,1% và 2020: 39,2%). Đại dịch COVID-19 đã tác động đến hành vi người tiêu dùng, khách hàng dần trở nên ưu tiên sản phẩm tiện dụng và có thể sử dụng online.

Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng đang được thực hiện mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp cho chi phí vận hành của các ngân hàng giảm đi đáng kể cũng như hệ số CIR của ngành. Từ đó giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng. 

NFI tăng trưởng mạnh nhờ bancassuarance

NFI (Net fee income) là thu nhập đến từ phí dịch vụ. Các ngân hàng thường có khoản thu nhập này đến từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. 

Trong năm 2022, Sacombank, Techcombank và VPBank sẽ có những thỏa thuận lại liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm với bảo hiểm Dai-ichi, Manulife và AIA. Trong khi đó VietinBank (Mã: CTG) sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife. Chi phí trả trước của hợp đồng bảo hiểm thường tương đối lớn. Theo nhóm phân tích của VNHAM, VietinBank sẽ nhận được phí trả trước khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương 343 triệu USD) trong vòng 5 năm. 

Do vậy, các ngân hàng thường tương đối mạnh tay trong việc bán chéo các hợp đồng bảo hiểm. Nhờ vậy, hoa hồng đến từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có thể tăng 15% trong năm 2022.

Tỷ lệ FOL tại các ngân hàng kỳ vọng tăng

FOL được biết đến là tỷ lệ vốn ngoại hay tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp. 

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/8/2020, Việt Nam sẽ cho phép hai tổ chức tín dụng Châu Âu được sở hữu tối đa 49% cổ phần tại hai ngân hàng Việt Nam. Theo hiệp định, 4 ngân hàng thương mại cổ phần được đưa vào danh sách bao gồm BIDV, VietinBamk, Vietcombank và Agribank. 

Quan điểm từ VNHAM, Sacombank có thể là một trong những ứng viên của EVFTA vì 32,5% cổ phần của ngân hàng được làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, đang được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Do đó, VAMC hiện tại đang nắm có tỉ lệ cổ phần của Sacombank tương đối lớn. Các định chế tài chính trong và ngoài nước đều đang rất quan tâm đến vấn đề này. 

Tuy nhiên, liên quan câu chuyện nới room tại các ngân hàng thương mại nhà nước, theo Quyết định ngày 2/7/2021 yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cổ phiếu ngân hàng có đáng để đầu tư: Góc nhìn từ 7 nhóm chỉ số tài chính - Ảnh 2.

Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng. Nguồn: VNHAM.

Mức P/E hấp dẫn

Theo VNHAM, sau thời kỳ COVID-19, dự phóng chỉ số P/E của ngành Ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 29,9% so với năm 2021, tỷ lệ này năm 2021 là 27,4%. Cơ sở đưa ra dự phóng bởi nền kinh tế của Việt Nam dần hồi phục cùng các chính sách hỗ trợ và quản lý rủi ro của các ngân hàng. 

Định giá hợp lý 

Mặc dù tỷ lệ P/B trung bình ngành ngân hàng tại Việt Nam đang tương đối cao so với các quốc gia tại Đông Nam Á, nhưng VNHAM cho rằng mức định giá vẫn hợp lý. Cơ sở cho nhận định trên đến từ một số yếu tố. 

Thứ nhất, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đáng kể năm 2022 như phân tích trên. Thứ hai, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội. Thứ ba, tỉ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) cao.

Cổ phiếu ngân hàng có đáng để đầu tư: Góc nhìn từ 7 nhóm chỉ số tài chính - Ảnh 3.

So sánh P/B, ROE, ROA các ngân hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Nguồn: VNHAM.

N. anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.