|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu cả về tăng giá lẫn thanh khoản, 8 tổ chức chi gần 2.900 tỷ mua 143 triệu cổ phiếu Nam A Bank

15:04 | 26/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần qua (21/2 - 25/2), cổ phiếu VPB tăng mạnh nhất toàn ngành với mức tăng 6,4%. Với hai phiên cuối tuần thanh khoản đột biến, cổ phiếu này cũng đã vượt qua STB để trở thành mã có khối lượng giao dịch lớn nhất tuần.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu cả về tăng giá lẫn thanh khoản, 8 tổ chức chi gần 2.900 tỷ mua 143 triệu cổ phiếu Nam A Bank - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: VPBank).

VPB dẫn đầu cả về tăng giá lẫn thanh khoản

Trong tuần giao dịch vừa qua (21/2 - 25/2), nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa với 10/27 mã tăng giá, 16 mã giảm và một mã đứng tham chiếu.

Trong đó, cổ phiếu VPB là mã tăng mạnh nhất toàn ngành (+6,4%) với 4 phiên tăng giá liên tiếp. Đáng chú ý, trong hai phiên 24 và 25/2, cổ phiếu này đều ghi nhận mức tăng trên 2,8% cùng với thanh khoản đột biến. Trong phiên cuối tuần 25/2, thanh khoản của VPB lên tới 50 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp đôi mức trung bình 10 phiên gần nhất.

Bên cạnh đó, chỉ có 3 cổ phiếu ngân hàng khác có mức tăng giá trên 2% trong tuần qua gồm có MBB (+4,4%), TPB (+2,8%) và NVB (+2%).

Ở chiều ngược lại, mức điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua tương đối thấp so với tuần trước đó. Trong đó, cổ phiếu VAB giảm mạnh nhất với mức 3,2%. Ngoài ra, nhiều mã khác có mức giảm trên 2% như EIB (-2,9%), VCB (-2,4%), ABB và LPB (-2,3%), CTG và SHB (-2,2%).

Duy nhất cổ phiếu KLB của Kienlongbank không có biến động, giữ nguyên tại mức giá 27.100 đồng/cp sau tuần qua.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu cả về tăng giá lẫn thanh khoản, 8 tổ chức chi gần 2.900 tỷ mua 143 triệu cổ phiếu Nam A Bank - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tuần qua có tổng cộng hơn 862 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 28.900 tỷ đồng, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 5,5% về giá trị so với tuần trước.

Đáng chú ý, ở các tuần trước đó, cổ phiếu STB thường xuyên dẫn đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch; tuy nhiên, trong tuần này, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này bất ngờ giảm mạnh xuống còn 108,8 triệu đơn vị (giảm 12% so với tuần trước), đứng sau VPB và MBB.

Thay vào đó, vị trí dẫn đầu về thanh khoản trong tuần này thuộc về VPB với hơn 122,2 triệu cổ phiếu được trao tay. Theo sát sau đó là MBB với 121,6 triệu đơn vị. 

Xét về giá trị giao dịch, VPB cũng là mã đứng đầu toàn ngành với hơn 4.523 tỷ đồng, đứng kế sau đó là MBB với 4.100 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ còn STB có giá trị giao dịch trên 3.000 tỷ đồng trong tuần qua. Giá trị giao dịch của TCB, CTG, LPB, SHB dao động quanh mức 1.000 tỷ đến 2.700 tỷ đồng.

Cũng trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã thoát dần nhóm cổ phiếu ngân hàng khi bán ròng hơn 216 tỷ đồng HDB, gần 151 tỷ đồng CTG và gần 75 tỷ đồng VCB,... trong khi đó mua ròng nhiều nhất là STB với 52 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPB dẫn đầu cả về tăng giá lẫn thanh khoản, 8 tổ chức chi gần 2.900 tỷ mua 143 triệu cổ phiếu Nam A Bank - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Nam A Bank chào bán riêng lẻ thành công 143 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng. Trong đó, 8 nhà đầu tư trong nước đã đăng ký mua hết số cổ phiếu chào bán, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,37%. Ngân hàng thu ròng từ đợt chào bán hơn 2.831 tỷ đồng.

Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB với mục đích đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/3 - 30/3 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Đồng thời, ngân hàng dự kiến chia cổ tức 35% và tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã làm việc với đại diện của ba nhà mạng lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS. Theo đó, các nhà mạng viễn thông và ngân hàng đã thống nhất giải pháp "thu phí trọn gói" là khả thi, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của các ngân hàng và của chính các nhà mạng.

Một số ngân hàng đã công bố lịch họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 gồm MB, SHB, SeABank,....

Lê Huy