Khối ngoại tích cực mua ròng, nhà đầu tư trong nước chú ý cổ phiếu nào?
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch tích cực giúp chỉ số VN-Index có 4/5 phiên tăng điểm. Đóng cửa tuần, chỉ số VN-Index tăng 21,81 điểm tương đương 2,48% lên mức 902,71 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 101,87 điểm, tăng 1,02 điểm tương đương 1,01% so với cuối tuần trước.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến khá tốt. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index tuần qua là VNM, GAS và VHM. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là NVL, SAB và HPG. Thanh khoản tuần qua trên sàn HOSE trung bình đạt 133 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ so với mức 135 triệu/phiên của phiên trước.
Về nhóm ngành tuần qua, đa phần các nhóm ngành đều tăng điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 1,8%, trong đó các cổ phiếu tăng mạnh nhất là TPB, TCB và MBB với mức tăng lần lượt 7,5%, 4,2% và 3,5%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng 5,5% nhờ việc các cổ phiếu GAS, PVD và PVB tăng lần lượt 7,7%, 6,3% và 8,3%. Thị trường tăng điểm giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng 4,6%. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại mua ròng trong tuần qua với giá trị gần 151 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu PNC (Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam) tăng mạnh nhất. Cổ phiếu ASM (CTCP Tập đoàn Sao Mai) từ mức giảm 13% tuần trước đã ghi nhận ba phiên tăng trần liên tiếp trong tuần qua. Ở diễn biến ngược lại, SVT (CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông) giảm gần 20%.
Trong tuần, cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) tăng nhẹ trước thông tin Bamboo Airways - hãng hàng không thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC chính thức mở bán vé vào 12h trưa ngày 12/1vàdự kiến khai trương chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/1/2019.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PVV (CTCP Vinaconex 39) tăng 50% nhưng KSK (CTCP Khoáng sản Luyện kim màu) giảm hơn 30%. Tại UPCoM, TTR tăng 73% nhưng HAN giảm 40%. Ngày 11/1,Vinaconex tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường và ông Đào Ngọc Thanh tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana (CSC), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API). Cổ phiếu VCG không biến động nhiều trong tuần này.
Ngày 7/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTG phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.
Theo quyết định này, SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và là công ty mẹ của HNX và HOSE.
Cao su liên tục hồi phục tăng giá, các cổ phiếu cao su không được lợi
Giá phái sinh cao su (JN1 Comdty) trên sàn Tokyo đã chứng kiến kỳ phục hồi liên tiếp từ mức giá 154,7 JPY/kg lên mức 183,3 JPY/kg, sau khi giảm từ đỉnh 5 năm vào ngày 27/1/2017 từ mức giá 331,3 JPY/kg.
Nguyên do là chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục cắt giảm diên tích trồng cao su, nhằm cắt giảm nguồn cung cao su, qua đó đẩy giá cao su cao lên. Các công ty cao su của Việt Nam tuy cũng được hưởng lợi từ việc giá cao su trên thế giới tăng nhưng không nhiều.
Mặc dù Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu cao su nhiều nhất thế giới nhưng cao su do Việt Nam làm ra là loại SVL3L, loại này lại không có nhiều nhu cầu lớn trên thế giới.
Trong khi đó những loại cao su được sử dụng nhiều như SVR20, RSS thì các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam phải đi nhập về, do trong nước không tự sản xuất được. Do vậy việc giá cao su tăng có tác động không mấy tích cực đến các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam hơn là tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất cao su.