|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại giao dịch dè chừng khi thị trường biến động, đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu bất động sản tuần 21 - 25/2

08:30 | 26/02/2022
Chia sẻ
Trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường, khối ngoại chỉ mua ròng gần 81 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tuy nhiên, giao dịch của khối này diễn ra khá sôi nổi tại nhóm bất động sản khi gom nhiều mã như DXG, VHM, KBC.

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine trong phiên 24/2 đã khiến thị trường chứng khoán chao đảo khi các chỉ số chính cắm đầu giảm mạnh, VN-Index có lúc giảm gần 40 điểm trước khi hồi phục nhẹ nhờ dòng tiền bắt đáy về cuối phiên.

Ở phiên cuối tuần, VN-Index đã nhanh chóng hồi phục mạnh ngay từ phiên sáng khi sắc xanh nở rộ trên bảng điện tử. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index hụt hơi và lại lỗi hẹn với mốc 1.500 điểm.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 5,95 điểm (tương đương 0,4%) xuống 1.498,89 điểm trong khi HNX-Index tích cực hơn, tăng 1,05% lên 440,16 điểm. 

Theo góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index gần như duy trì xu hướng sideway trong suốt tuần qua và đánh mất ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 điểm trong phiên ATC ngày 25/2.

Tuy vậy, VN-Index vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ 1.485 - 1.490 điểm, điều này cho thấy xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn đang trong quá trình hình thành và sẽ được xác nhận nếu chỉ số vượt thành công vùng kháng cự 1.510 – 1.515 điểm.

Điểm sáng trên thị trường tuần qua là sự cải thiện đáng kể về thanh khoản. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 797 triệu cp/phiên, tăng 24,5% trong khi sàn HNX đạt trung bình gần 118 triệu cp/phiên, tăng tới 74% so với tuần trước.

Tính cả kênh khớp lệnh và thoả thuận, cổ phiếu bất động sản vẫn thu hút dòng tiền ngoại với quy mô mua ròng 632 tỷ đồng. Các nhóm ngành khác cũng được khối này gom mua như hoá chất (256,5 tỷ đồng), vận tải (168 tỷ đồng), điện (123 tỷ đồng)....

Tuy nhiên, lực bán đối ứng cũng xuất hiện trên nhiều ngành khác, ví dụ như ngân hàng (393 tỷ đồng), chứng khoán (227 tỷ đồng), nước và khí đốt (207 tỷ đồng)..., khiến quy mô mua ròng của NĐT ngoại trên toàn thị trường thu hẹp xuống còn gần 81 tỷ đồng. 

Tiếp tục gom bất động sản và xả ngân hàng trên sàn HOSE

Tiếp nối xu hướng tích cực trong tuần trước, khối ngoại mua ròng tại sàn HOSE nhưng quy mô chỉ đạt khoảng 162 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu DXG tiếp tục hút tiền khi giá trị mua ròng đạt 353 tỷ đồng, gấp đôi so với giao dịch tuần trước. Theo ghi nhận, mã này được NĐT nước ngoài mua ròng cả 5/5 phiên và luôn đứng đầu danh sách những cổ phiếu được gom nhiều nhất.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là khẩu vị ưa thích của khối này khi nhiều mã địa ốc cũng được gom mua trong tuần qua, có thể kể đến VHM (203 tỷ đồng) và KBC (147 tỷ đồng).

Trong bối cảnh thị trường thiếu dòng dẫn dắt và các ngành diễn biến lình xình, cổ phiếu vận tải biển lại âm thầm bứt phá với mức tăng ấn tượng, thậm chí có mã lập đỉnh lịch sử. Đồng thuận với đà tăng giá, dòng tiền ngoại cũng tìm đến nhóm này trong tuần qua, gồm GMD (116 tỷ đồng) và HAH (79 tỷ đồng).

NĐT ngoại cũng không bỏ lỡ những cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua như DGC (giá trị mua ròng 112 tỷ đồng), DCM (79 tỷ đồng) và VJC (78 tỷ đồng).

nb - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, cổ phiếu HDB của HDBank chịu áp lực rút ròng lớn nhất với 216 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung chủ yếu trong phiên 24/2. Tuần trước đó, khối ngoại cũng mạnh tay xả tới 430,5 tỷ đồng mã này. 

Hai mã ngân hàng khác là CTG và VCB cũng góp mặt trong top bị khối này bán ròng với quy mô lần lượt là 151 tỷ đồng và 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối này cũng đã chốt lời 160 tỷ đồng cổ phiếu PLX trước sự nổi sóng của cổ phiếu dầu khí. 

Một loạt các bluechip cũng bị xả như NVL (130,5 tỷ đồng), VNM (126 tỷ đồng), HPG (126 tỷ đồng), MSN (103 tỷ đồng) và VIC (84 tỷ đồng). Về giao dịch chứng chỉ quỹ, duy nhất E1VFVN30 lọt top bán ròng với giá trị 117 tỷ đồng. 

Nhóm quỹ Hàn Quốc xả TNG trên sàn HNX

Trên sàn HNX, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 72 tỷ đồng tuần qua, trong đó giao dịch đáng chú ý nhất tại mã TNG với quy mô tới 95 tỷ đồng. 

Theo công bố thông tin mới đây, nhóm cổ đông Korea Investment Securities vừa thực hiện giao dịch bán 2 triệu cổ phiếu TNG vào ngày 18/2, giảm mức sở hữu từ 7,01% xuống 4,85% vốn điều lệ của Đầu tư và Thương mại TNG.

Sau giao dịch, lượng cổ phần mà Korea Investment Securities sở hữu giảm xuống còn gần 4,5 triệu cổ phiếu TNG và không còn là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG.

Một số mã quen thuộc khác nằm trong top bán ròng của khối ngoại gồm THD (13 tỷ đồng), VCS (11 tỷ đồng), DHT (1,9 tỷ đồng) và PVG (1,7 tỷ đồng).

nb - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Giao dịch mua ròng của NĐT nước ngoài diễn ra khá ảm đạm trên sàn HNX khi không ghi nhận mã nào có giá trị vượt 20 tỷ đồng. 

Dòng vốn ngoại phân bổ vào khá nhiều nhóm ngành, gồm hoá chất (PLC - 18 tỷ đồng), dầu khí (PVS - 16 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (SCI - 8,4 tỷ đồng), chứng khoán (SHS - 4 tỷ đồng) và bảo hiểm (PVI - 3 tỷ đồng).

Thoái toàn bộ vốn tại ABC trên UPCoM

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài chỉ còn mua ròng gần 10 tỷ đồng trong tuần này. Nổi bật tại chiều bán là giao dịch bán ròng 52,6 tỷ đồng cổ phiếu ABC của VMG Media. Nhiều khả năng đây là động thái thoái vốn của cổ đông ngoại Yellow Star Investment 6 sau khi đăng ký thoái sạch 4,5 triệu cổ phần của công ty này từ ngày 17/2 đến 16/3.

Các mã còn lại ghi nhận giá trị bán ròng không đáng kể, có thể kể đến FOX (2,5 tỷ đồng), ABI (2,2 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng)...

nb - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Ngược lại, cổ phiếu QTP được mua ròng nhiều nhất với gần 20 tỷ đồng. Hai mã ACV và BSR cũng ghi nhận giao dịch tích cực khi được gom tương ứng 16,5 tỷ đồng và 12,3 tỷ đồng. Danh mục bán ròng kế tiếp có sự xuất hiện của VOC, MML,...

Bảo Ngọc