|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại giải ngân trở lại trong những nhịp chỉnh sâu của thị trường

16:33 | 14/07/2021
Chia sẻ
Sau những diễn biến giằng co, VN-Index tiếp tục lao dốc gần 18 điểm trong phiên 14/7. Đáng chú ý, khối ngoại trở lại mua ròng gần 330 tỷ đồng các cổ phiếu bluechip trong những nhịp chỉnh sâu của thị trường.

Sau cú lao dốc hơn 32 điểm đầu phiên chiều 14/7, thị trường chứng khoán nỗ lực tìm kiếm điểm cân bằng trong phiên ATC. Kết phiên, VN-Index giảm 17,63 điểm (1,36%) còn 1.279,91 điểm, HNX-Index tăng 0,05% lên 296,84 điểm, UPCoM-Index giảm 0,94% còn 84,56 điểm.

Thanh khoản quay lại trong phiên thị trường diễn biến phân hóa. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 22.270,13 tỷ đồng, trong đó tính riêng giá trị giao dịch trên sàn HOSE là 19.324,8 tỷ đồng, tăng 21% so với phiên hôm qua.

Tại sàn HOSE, khối ngoại quay lại mua ròng 326,54 điểm, giao dịch chủ yếu tại thị trường cổ phiếu và chứng chỉ ETF nội.

Khối ngoại tìm kiếm cơ hội mua trong những nhịp chỉnh sâu của thị trường - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Sau phiên bán ròng gần 50 tỷ đồng, cổ phiếu HPG của Hòa Phát bất ngờ được mua ròng trở lại 157,3 tỷ đồng, tương ứng gần 3,5 triệu cổ phiếu. Giao dịch đột biến tại HPG đã đẩy VHM của Vinhomes xuống vị trí thứ hai mặc dù ghi nhận giá trị mua ròng 145,4 tỷ đồng, tăng gần 70% so với phiên trước.

Trong phiên thị trường đỏ lửa, NĐT khối ngoại lựa chọn giải ngân vào nhiều cổ phiếu bluechip. SSI (98,9 tỷ đồng), STB (42,3 tỷ đồng), MSB (28,1 tỷ đồng) đều ghi nhận lực mua mạnh hơn so với phiên hôm qua. 

Hai chứng chỉ quỹ ETF nội là E1VFVN30 và FUEVFVND được mua ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 41,2 tỷ đồng, theo sau bởi những sắc xanh hiếm hoi trong danh mục là VRE (38,9 tỷ đồng), MSN (36,7 tỷ đồng) và VCG (26,7 tỷ đồng).

Khối ngoại tìm kiếm cơ hội mua trong những nhịp chỉnh sâu của thị trường - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều giao dịch ngược lại, cổ phiếu VPB của VPBank bất ngờ bị chốt lời 125,6 tỷ đồng, tương ứng hơn 2 triệu cổ phiếu. Đây là mã duy nhất ghi nhận giá trị xả ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên. 

Cũng thuộc nhóm ngân hàng, VCB bị xả ròng 57,8 tỷ đồng, theo sau bởi HDB (9,8 tỷ đồng). Dòng tiền cũng rút khỏi loạt cổ phiếu họ bất động sản sau phiên mua ròng, lần lượt bán ròng NVL (54,2 tỷ đồng), KBC (45,8 tỷ đồng), VIC (45,3 tỷ đồng), FLC (16 tỷ đồng).

Theo sau, khối ngoại lần lượt bán ròng các mã VJC (27,2 tỷ đồng), GAS (11,7 tỷ đồng), NKG (8,7 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, các NĐT nước ngoài xả ròng nhẹ 1,3 tỷ đồng, nhưng lại mua ròng về khối lượng 115.568 đơn vị.

Về giá trị cụ thể, họ bán ròng mạnh nhất SHB với 9,1 tỷ đồng. Theo sau, hai mã VND và BVS lần lượt bị rút ròng 3,4 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác ghi nhận lực xả dưới 1 tỷ đồng lần lượt là TVB, HDA, BAB, VCS, S99....

Trái chiều, hai mã thu hút dòng tiền ngoại mạnh nhất là PVS (5,6 tỷ đồng) và BSI (4,3 tỷ đồng). Cổ phiếu THD nối dài chuỗi phiên mua ròng khi được vào ròng 1,6 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng vốn ngoại tìm đến ART (1,1 tỷ đồng), PAN (628 triệu đồng), KLF (340 triệu đồng)...

Thống kê tại thị trường UPCoM, lực mua tỏ ra thận trọng hơn khi các NĐT ngoại chỉ mua ròng vỏn vẹn 48 triệu đồng.

Họ vẫn gom mạnh nhất ACV với 5,8 tỷ đồng, tăng mạnh 61% so với phiên liền trước. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều phải kể đến LTG (1,9 tỷ đồng), NHT (498 triệu đồng), ABI (466 triệu đồng), PVP (350 triệu đồng)...

Ở chiều giao dịch bán, các mã bị rút ròng mạnh là VEA (5,3 tỷ đồng), SBS (1,2 tỷ đồng), VTP (1,1 tỷ đồng). Theo sau, khối ngoại cũng xả nhẹ QNS (920 triệu đồng), MML (650 triệu đồng), BSR (419 triệu đồng), ORS (191 triệu đồng)... 

Thảo Bùi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.