Khối ngoại đảo chiều bán ròng 435 tỷ đồng trên HOSE tuần VN-Index lấy lại mốc 1.280 điểm, tập trung xả KBC song gom mạnh nhất VNM
Sau 2 tuần giằng co quanh vùng 1.270 – 1.285, VN-Index đã tăng mạnh vượt kháng cự mạnh tại 1.285 trong bối cảnh thị trường thế giới kém khả quan. Sau phiên đầu tuần (22/8) giảm điểm, chỉ số đã bất ngờ tăng tốc trong 3 phiên tiếp theo và thành công chinh phục ngưỡng 1.285 trong phiên 25/8.
VN-Index sau khi chạm mức cao nhất tại 1.295 trong phiên cuối tuần (26/8) đã điều chỉnh giảm vào cuối phiên để chốt tuần tại 1.282,57, tăng 13,39 điểm tương ứng 1,06%.
MWG lần đầu tiên trong năm vươn lên trở thành cổ phiêu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong 1 tuần, với mức tăng 12,3% trong tuần cổ phiếu đã giúp VNIndex tăng 2,9 điểm. Tiếp theo là VCB với mức ảnh hưởng 2,4 điểm và BCM xếp thứ 3 với mức tăng khá tốt là 10% đã giúp VN-Index tăng thêm 2,1 điểm. Chiều tiêu cực, dẫn đầu là VIC với mức giảm 4% trong tuần đã kéo VN-Index giảm 2,6 điểm.
Trong tuần VN-Index nối dài xu hướng tăng điểm, khối ngoại không còn duy trì vị thế mua ròng, thay vào đó khối này đã bán ròng tổng cộng 435 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng 449 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán ròng phủ rộng tại hầu khắp các nhóm nhóm ngành, chiều ngược lại cổ phiếu sản xuất thực phẩm, bia & đồ uống, hóa chất, dược phẩm là các nhóm thu hút được dòng vốn ngoại tuần qua.
Tâm điểm mua ròng VNM trên HOSE
Tại thị trường cổ phiếu, mã VNM của Vinamilk dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 465,9 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá VNM lấy lại xu hướng tăng giá dài hạn, đóng cửa tuần tại mốc 76.900 đồng/cp.
Kế đó, cổ phiếu MSN và PVD tiếp tục góp mặt trong danh mục rót vốn tuần này với giá trị lần lượt là 133,3 tỷ đồng và 132,3 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng như SHB (76 tỷ đồng) và FTS (35 tỷ đồng). Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa như GMD (43,6 tỷ đồng), VHC (38,8 tỷ đồng), NLG (27,5 tỷ đồng), HDG (23,9 tỷ đồng) và CTR (13,4 tỷ đồng),...
Ở chiều bán ra, mã KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP dẫn đầu với quy mô 145,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị khối ngoại rút ròng với quy mô trên trăm tỷ đồng. Nối tiếp, cổ phiếu SSI bị bán ròng với giá trị 93,8 tỷ đồng.
Liên tục xuất hiện trong danh sách xả ròng của NĐT ngoại, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiếp tục bị bán ròng 92,3 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Theo dõi giao dịch cho thấy rằng dòng tiền ngoại còn rút ra ở loạt bluechip như HPG (82,6 tỷ đồng), VHM (64,5 tỷ đồng), VCB (61,2 tỷ đồng), VIC (57,1 tỷ đồng).
Sàn HNX bị rút ròng gần 18 tỷ đồng
Giao dịch trên sàn HNX, khối ngoại duy trì bán ròng 17,71 tỷ đồng trong tuần qua. Theo đó, khối này mua ròng gần 284 tỷ đồng kể từ đầu năm nay.
Trong tuần, cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam được mua ròng mạnh nhất với 5,4 tỷ đồng, theo sau là TNG (4,2 tỷ đồng) và PVI (1,6 tỷ đồng). Hai mã khác là TVD và BCC, lần lượt đạt 1,1 tỷ đồng và gần 0,5 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Top5 mã bị bán ròng mạnh nhất đều ghi nhận giá trị trên 1 tỷ đồng. Trong đó, mã SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội dẫn đầu với 14,1 tỷ đồng. Kế đến, khối ngoại bán ròng theo thứ tự IDC (8,1 tỷ đồng), PVI (2,4 tỷ đồng), PHP (1,5 tỷ đồng), BVS (1,4 tỷ đồng),...
Rút ròng gần 52 tỷ đồng trên thị trường UPCoM, tâm điểm BSR
Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài nối dài xu hướng bán ròng sang tuần thứ 3 liên tục. Về giá trị cụ thể, khối này bán ròng 51,57 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tuy nhiên nếu tính từ đầu năm NĐT ngoại vẫn rót ròng hơn 844 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Trái với hoạt động xuống tiền giải ngân trong giai đoạn trước, cổ phiếu BSR liên tục bị bán ròng trong những tuần gần đây với giá trị xả ròng tuần này là 73,9 tỷ đồng. Quy mô rút vốn bỏ xa các mã còn lại trong danh mục khi giá cổ phiếu có tăng gần 4% trong tuần. Cùng chiều, dòng tiền ngoại lần lượt rút khỏi các cổ phiếu như SIP (23,2 tỷ đồng), VEA (4,7 tỷ đồng), LTG (2,7 tỷ đồng) và VGT (2 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu với giá trị mua ròng 28,6 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại theo sau rót ròng VTP (15,4 tỷ đồng), ACV (7,4 tỷ đồng), trước khi mua ròng nhẹ hơn các cổ phiếu ACV, CSI, MML, MPC,... với giá trị quanh 1 tỷ đồng.