Khối ngoại chuyển từ bán ròng sang mua ròng nhiều bluechip
Trong nửa cuối tháng 6 (từ 15 đến 30/6), các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 726 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với xu hướng bán ròng hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu tháng 6 cũng như 5 tháng đầu năm 2021.
Sang những ngày đầu tháng 7 (từ 1 đến 9/7), khối ngoại đẩy mạnh gom hàng, giá trị mua ròng vọt lên thành 4.220 tỷ đồng.
Cổ phiếu được mua nhiều nhất là NVL của Novaland với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Lực mua chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận hơn 15,4 triệu đơn vị hôm 2/7, trị giá hơn 1.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, liên tiếp trong hai phiên gần đây (8-9/7), các nhà đầu tư nước ngoài đều xả NVL, giá trị lần lượt 530 tỷ và 181 tỷ.
MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội cũng được khối ngoại quan tâm khi giá trị mua ròng đạt 914 tỷ đồng, trái ngược với việc bán ròng 738 tỷ trong nửa cuối tháng 6. Trong cả 7 phiên giao dịch đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đều gom thêm MBB.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân xả hơn 930 tỷ đồng MBB riêng trong tuần qua. Kết phiên 9/7, giá MBB dừng ở 41.850 đồng/cp, giảm gần 3,7% so với cuối tuần trước.
Khối ngoại gia tăng sở hữu MBB sau khi nhà băng này thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7 để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tức là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 35 cổ phiếu mới. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7.
Dự tính MBB sẽ phát hành xấp xỉ 980 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn điều lệ lên gần 37.800 tỷ đồng.
Cuối tuần này, Ngân hàng Quân Đội vừa thông báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,76%.
Khối ngoại cũng chuyển từ xả hơn 1.100 tỷ sang gom 420 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Trái lại, các nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng hơn 300 tỷ đồng HPG trong tuần qua.
Kết phiên 9/7, giá HPG còn 47.300 đồng/cp, giảm xấp xỉ 10% trong một tuần. So với ngày cuối năm ngoái, giá HPG hiện nay vẫn cao hơn 55%.
Hôm 6/7, Hòa Phát cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô, tiêu thụ gần 4,3 triệu tấn thành phẩm các loại; tăng trưởng lần lượt 55% và 60% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ của riêng tháng 6 lại sụt giảm.
Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép trong tháng vừa qua đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái và tháng liền trước do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 trên toàn quốc, đặc biệt là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Một nhân tố tiêu cực khác là mùa mưa đã bắt đầu, làm giảm nhu cầu về thép trong xây dựng.
Cổ phiếu GEX của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex chuyển từ bị khối ngoại bán ròng 273 tỷ trong nửa cuối tháng 6 sang được mua ròng 294 tỷ trong những ngày đầu tháng 7.
Mới đây, hàng loạt lãnh đạo của Gelex và bên có liên quan đã hoàn tất nộp tiền mua 105 triệu cổ phiếu GEX với giá ưu đãi 12.000 đồng/cp, tổng trị giá khoảng 1.260 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn mua nhiều nhất với khối lượng xấp xỉ 51,9 triệu đơn vị. Mẹ của ông Tuấn là bà Đào Thị Lơ cũng mua 9 triệu đơn vị. Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư GEX do bà Lơ làm Giám đốc cũng mua xấp xỉ 39 triệu cổ phiếu.
Kết phiên 9/7, giá GEX dừng ở 22.700 đồng/cp, giảm 0,4% so với cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn 26,5% so với đầu năm.