Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 24/26 mã giảm giá, con gái Chủ tịch Techcombank đăng ký mua vào gần 22,5 triệu cp
24/26 mã ngân hàng giảm giá trong tuần
Tuần giao dịch 5/7 - 9/7 chứng khiến diễn biến kém khả quan của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua, có 24/26 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá.
Trong đó, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt là mã giảm sâu nhất với mức 12,7%. Kế sau đó là cổ phiếu SHB với mức 10,3%.
Bên cạnh đó, một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên 7% như SGB (-8%), EIB (-7,8%), NVB (-7,7%), STB (-7,6%),...
Đáng chú ý, cổ phiếu CTG của VietinBank giảm tới 8% với 4 phiên giảm (một phiên giảm sàn) và một phiên tăng dù trước đó, ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II tương đối khả quan và những thông tin về việc chia cổ tức để tăng vốn.
Vào ngày 8/7, VietinBank đã chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%; do đó, giá cổ phiếu CTG đã bị pha loãng, dừng ở mức 37.600 đồng/cp kết phiên 9/7.
Ngoài ra, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như BID, VCB hay VPB có mức giảm từ 4 - 5%.
Duy chỉ hai mã TCB và VIB tăng giá trong tuần qua với mức tăng lần lượt là 4,2% và 4,6%.
Tuần qua có tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng hơn 17% so với tuần trước. Giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 54.783 tỷ đồng, tăng 15,7%.
Trong đó, STB tiếp tục giữ vị trí quán quân về thanh khoản với gần 213,5 triệu cổ phiếu được giao dịch. Song, vị trí thứ hai không còn là SHB, VPB hay MBB mà lại là TCB với hơn 176 triệu cổ phiếu được trao tay, tăng đột biến so với các tuần trước đây.
Cổ phiếu TCB cũng đứng đầu về giá trị giao dịch trong tuần với hơn 9.926 tỷ đồng. Tiếp sau lần lượt là VPB với hơn 7.863 tỷ đồng, STB với gần 6.632 tỷ đồng, MB với hơn 5.738 tỷ đồng...
Một số sự kiện nổi bật trong tuần
Bà Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, đăng ký mua gần 22,5 triệu cổ phiếu TCB. Giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 12/7 đến 4/8 theo phương thức khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận. BàThuỷ Anh ước phải bỏ ra số tiền hơn 1.200 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.
LienVietPostBank chốt ngày 22/7 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức năm 2020. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 12% bằng cổ phiếu, tương đương gần 129 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III năm nay. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 12.036 tỷ đồng sau khi chia xong.
Ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy), Phó Chủ tịch LienVietPostBank đã mua được hơn 10,2 triệu cổ phiếu LPB trên tổng cộng hơn 32,5 triệu cp đã đăng ký. Qua đó, nâng số lượng cổ phần sở hữu tại ngân hàng lên gần 30,6 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ 2,845%.
Cùng với đó, CTCP Thaiholdings, doanh nghiệp ông Thụy đang nắm 20% cổ phần, cũng đã mua thành công 20 triệu cổ phiếu LPB như đã đăng ký, nâng tỷ lệ sở hữu tại LienVietPostBank lên 1,86%.
Một nhà băng khác là SeABank cũng đã thống nhất ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9,12% vào ngày 26/7.
Ngoài ra, ngân hàng này còn kế hoạch thông báo phát hành 23,5 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 1,9244%. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ấn định từ ngày 12/7 đến 26/7. Giá phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại theo hai nhóm đối tượng. Đối với các cán bộ nhân viên (CBNV) từ nhóm 1A đến nhóm 4 sẽ được mua với giá 15.000 đồng/cp và với CBNV thuộc nhóm 5 đến nhóm 10 được quyền mua với giá 16.800 đồng/cp.
ABBank vừa cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm 3.696 tỷ đồng lên gần 9.409 tỷ đồng, tương đương tăng 65%. Đồng thời, ngân hàng cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.164 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận trong phiên 7/7 và phiên sáng 8/7, gần 62 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân được trao tay theo phương thức thỏa thuận. Con số này tương đương với hơn 15% số lượng cổ phiếu NVB được lưu hành trên thị trường. Toàn bộ số cổ phiếu này được giao dịch tại mức giá 20.000 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị giao dịch là hơn 1.233 tỷ đồng.