|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NVL vượt VHM và MWG, đứng đầu top mua ròng của khối ngoại

12:18 | 08/07/2021
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 3.500 tỷ đồng cổ phiếu NVL (Novaland), trái ngược với xu hướng bán ròng gần 27.000 tỷ trên toàn thị trường.

Từ đầu năm đến hết phiên 7/7, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng gần 26.800 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, giá trị bán là gần 40.700 tỷ và giá trị mua là 13.900 tỷ.

HPG của Tập đoàn Hòa Phát và CTG của VietinBank đứng đầu top bán ròng với giá trị tương ứng là gần 12.850 và 6.730 tỷ.

Trái lại, NVL của Novaland là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị 3.484 tỷ, ngay phía sau là VHM của Vinhomes với 3.480 tỷ. STB của Sacombank và MWG của Thế Giới Di Động cũng được mua ròng lần lượt 1.644 và 1.533 tỷ.

Nếu tính cả các chứng chỉ quỹ, NVL chỉ đứng sau FUEVFVND với giá trị hơn 4.200 tỷ.

NVL vượt VHM và MWG, đứng đầu top mua ròng của khối ngoại - Ảnh 1.

Trong ba tuần từ 15/6 đến 7/7, khối ngoại đã chuyển từ bán ròng giai đoạn trước đó sang mua ròng 4.403 tỷ đồng.

Đây cũng là giai đoạn mà NVL được gom vào mạnh nhất, đứng đầu với giá trị 2.750 tỷ đồng. Lực mua xuất hiện chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận 16,66 triệu đơn vị trong phiên 2/7 và 13 triệu đơn vị vào phiên 30/6 khi các quỹ chốt NAV quý II.

Khối ngoại mua mạnh NVL vài ngày sau khi công ty thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trị giá 237,57 tỷ đồng tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất Động sản Phú Thịnh.

Ngoài ra, Novaland cũng tăng vốn điều lệ từ 10.817 tỷ đồng lên 14.677 tỷ đồng sau khi phát hành gần 386 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

NVL vượt VHM và MWG, đứng đầu top mua ròng của khối ngoại - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, công ty cũng phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá tối đa 300 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn sẽ dùng cổ phiếu NVL thuộc sở hữu cá nhân để bảo lãnh cho lô trái phiếu này.

MWG được khối ngoại săn đón

Trong khi NVL, VHM hay STB vẫn còn room ngoại tới vài chục phần trăm vốn điều lệ thì MWG luôn trong tình trạng chật cứng.

Thế Giới Di Động đã khóa tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở mức tối 49% số cổ phiếu lưu hành. Bất cứ khi nào hở room, các nhà đầu tư nước ngoài đều lập tức mua vào. 

Chẳng hạn tháng 4 vừa qua, Thế Giới Di Động phát hành hơn 9,3 triệu đơn vị MWG cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, khối ngoại liền mua ngay 4,56 triệu đơn vị MWG (đúng bằng 49% của 9,3 triệu).

NVL vượt VHM và MWG, đứng đầu top mua ròng của khối ngoại - Ảnh 3.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Để mua các cổ phiếu hết room ngoại như MWG, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải trả mức chênh lệch (premium) rất lớn, có thể cao hơn tới 45% giá niêm yết trên sàn.

Hiện nay, khối ngoại đang nắm giữ xấp xỉ 233 triệu đơn vị MWG với giá trị thị trường khoảng 40.600 tỷ đồng. Trong tháng 7 và 8, Thế Giới Di Động sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Với sở hữu như hiện nay, các nhà đầu tư ngoại sẽ được nhận tổng cộng 233 tỷ đồng và khoảng 116 triệu cổ phiếu MWG mới.

Sau khi giảm 6,9% trong phiên thị trường bị bán tháo 6/7, MWG đã bật tăng kịch trần 7% vào phiên 7/7. Sáng nay 8/7, cổ phiếu bán lẻ này tiếp tục tăng thêm 5,2% lên đỉnh mới 174.500 đồng/cp.

Việt Nam không phải thị trường duy nhất bị rút ròng

Việc khối ngoại rút ròng hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay không phải sự kiện bất thường.

Theo phân tích của Chứng khoán Yuanta, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu trên toàn khu vực châu Á trong nửa đầu 2021. Mặc dù nhìn ở khía cạnh đơn lẻ dòng tiền nước ngoài rút ra khỏi Việt Nam có vẻ khá lớn, nhưng so với dòng tiền bị rút ra khỏi hầu hết các thị trường chứng khoán trong khu vực thì lượng bán ròng tại Việt Nam là không đáng kể. 

Các thị trường chứng khoán châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) dường như đã bị các nhà đầu tư bán tháo trong nửa đầu năm 2021 do có nhiều lo ngại liên quan đến lạm phát trên toàn cầu, hay việc tái bùng phát đại dịch COVID-19 tại Châu Á, hoặc có sự lo ngại về giá hàng hóa trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, Chứng khoán Yuanta nhận xét.

NVL vượt VHM và MWG, đứng đầu top mua ròng của khối ngoại - Ảnh 5.

Giá trị bán ròng của khối ngoại ở Việt Nam giai đoạn tháng 12/2020 - tháng 5/2021 là rất nhỏ so với các thị trường khác trong khu vực.

Trong số các quốc gia trong phân tích ở trên, chỉ có Ấn Độ là nổi bật với giá trị mua ròng tương đối cao so với đầu năm, mặc dù kết quả này đã bị đảo chiều thành bán ròng trong tháng 4 và tháng 5/2021. 

Do cả thị trường Đài Loan và Hàn Quốc đều bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị tương đối lớn nên Yuanta cho rằng Trung Quốc là thị trường được hưởng lợi nhiều nhất

Song Ngọc