|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng trong tuần thị trường đảo chiều giảm điểm

09:01 | 21/11/2021
Chia sẻ
Tại cả HOSE và HNX, giao dịch khối ngoại vẫn nghiêng về chiều bán ròng khi gia tăng chốt lời nghìn tỷ đồng nhóm dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản. Tuy vậy, dòng vốn ngoại có dấu hiệu trở lại nhóm bất động sản, chứng chỉ quỹ với tâm điểm là FUEVFVND, VHM.

VN-Index chấm dứt chuỗi tăng, dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng

Sau khi giằng co quanh ngưỡng 1.470 điểm trong những phiên đầu tuần, áp lực bán chốt lời áp đảo trên thị trường và tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index quay đầu giảm sâu trong hai phiên cuối tuần. Chỉ số thậm chí có thời điểm lùi về sát mốc 1.435 điểm trong phiên thứ Sáu trước khi thu hẹp mức giảm ở cuối phiên.

Đóng cửa tuần, VN-Index giảm 21,02 điểm (-1,19%) về mức 1,452.35 điểm. Có phần tích cực hơn, HNX Index tăng 2,79% lên mức 453,97 điểm, UPCoM-Index tăng 2,58% lên 113,24 điểm.

Mặc dù chỉ số giảm điểm, thanh khoản thị trường đạt đỉnh cao mới trong phiên thứ Sáu với 44.570 tỷ đồng, vượt qua mức kỷ lục trước đó trong phiên 3/11. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 34.738 tỷ đồng, tăng 12,14% so với tuần trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần trở nên thận trọng hơn.

Khối ngoại - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mặc dù vẫn duy trì mua gom trong hai phiên đầu tuần, dòng vốn ngoại dần chuyển trạng thái bán ròng về cuối tuần khi chỉ số liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.480 điểm.

Lũy kế trong tuần, nhóm này tiếp tục bán ròng 1.183 tỷ đồng tại HOSE, trong đó bán qua khớp lệnh đạt 1.858 tỷ đồng.

Sàn HOSE: Chốt lời mạnh nhóm dịch vụ tài chính, thép và trở lại mua gom cổ phiếu ngân hàng

Theo Fiintrade thống kê trên 18 nhóm ngành, giao dịch mua khớp lệnh chỉ diễn ra tại 6/18 nhóm cổ phiếu.

Cụ thể, dòng tiền ngoại có sự đảo chiều mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu bất động sản khi khối ngoại đảo chiều mua ròng gần 391 tỷ đồng cổ phiếu nhóm này. Có phần đối lập, nhà đầu tư cá nhân lại có động thái chốt lời mạnh cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, tập trung trong những nhịp chỉnh của thị trường.

Nối tiếp, lực cầu trên 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận ở các cổ phiếu bán lẻ (272 tỷ đồng) và điện, nước & xăng dầu khí đốt (188 tỷ đồng) trước khi rót ròng nhẹ hơn vào hai nhóm hàng cá nhân & gia dụng (40 tỷ đồng), y tế (25 tỷ đồng) và truyền thông (4 tỷ đồng).

Trở lại chiều bán, giao dịch bán ròng được đẩy mạnh khi xuất hiện ở 12 nhóm cổ phiếu còn lại.

Nổi bật là lực xả hơn nghìn tỷ đồng ở các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Động thái chốt lời của nhóm này xuất hiện khi cổ phiếu nhóm chứng khoán có mức tăng lớn nhất trong tuần với 7,06%.

Diễn biến tương tự, khối ngoại cũng gia tăng rút ròng khỏi các cổ phiếu tài nguyên cơ bản với 879 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nhóm thép. Trước việc giá thép xây dựng tiếp tục giảm, cổ phiếu ngành thép vẫn tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh trước lực bán trên diện rộng.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng cũng tập trung ở các nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (194 tỷ đồng), ngân hàng (176 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (174 tỷ đồng), hóa chất (118 tỷ đồng)...

Khối ngoại - Ảnh 2.

Xu hướng bán ròng theo nhóm ngành của khối ngoại qua khớp lệnh. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu SSI có tuần thứ hai liên tiếp dẫn đầu chiều bán ròng. Quy mô bán ròng tăng mạnh hơn 85% so với tuần trước đó lên tới 692 tỷ đồng, tương đương 14,2 triệu đơn vị cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu VND cũng bị bán ròng 315 tỷ đồng.

Nối tiếp, dòng vốn ngoại tập trung rút ròng 633 tỷ đồng khỏi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Ghi nhận trong tuần, mã này đã trải qua 5 phiên giảm điểm liên tiếp trong nhịp điều chỉnh chung của nhóm thép. Đáng chú ý, nhóm quỹ Deagon Capital đã quay lại mua 1 triệu cổ phiếu HPG vào ngày 18/11 giữa lúc giá cổ phiếu lao dốc.

Bên cạnh đó, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng 159 tỷ đồng cổ phiếu HSG, lũy kế bán ròng 555 tỷ đồng trong liên tiếp 17 phiên từ ngày 28/10 đến 19/11. Một số mã cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều là VPB (356 tỷ đồng), VNM (278 tỷ đồng), NLG (251 tỷ đồng)...

Khối ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, khối ngoại rót tiền mua gom 554 tỷ đồng chứng chỉ FUEVFVND của quỹ ETF DCVFMVN Diamond. Trở lại với giao dịch cổ phiếu, VHM của CTCP Vinhomes thu hút phần lớn lực cầu ngoại khi được mua ròng 471 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại theo sau rót ròng vào các mã CTG (257 tỷ đồng), DGW (237 tỷ đồng) và MSN (217 tỷ đồng). Theo sau, lực cầu dưới 200 tỷ đồng cũng xuất hiện ở một số cổ phiếu, trong đó phải kể đến KBC, GAS, VCB, VRE...

Tại HNX: Quy mô bán ròng tăng gấp hơn 3 lần so với tuần trước

Tại HNX, khối ngoại đẩy mạnh quy mô bán ròng lên hơn 102 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với tuần giao dịch trước.

Nối tiếp xu hướng trong tuần trước, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O vẫn là mã bị bán ròng mạnh nhất với 44,5 tỷ đồng, tăng hơn 87% so với trước đó. Cổ phiếu PVS cũng bị bán ròng mạnh với gần 44 tỷ đồng, theo sau là HUT (19,8 tỷ đồng), IVS (8,2 tỷ đồng), CTB (6,6 tỷ đồng)...

Khối ngoại - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, cổ phiếu BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận giao dịch tích cực nhất với 13,6 tỷ đồng mua ròng. Dòng vốn ngoại theo sau rót ròng nhẹ hơn vào một số cổ phiếu, lần lượt là VCS (5,3 tỷ đồng), PVI (5 tỷ đồng), THD (3,4 tỷ đồng),...

Thị trường UPCoM: Quay lại mua gom hơn 124 tỷ đồng

Có phần tích cực hơn so với thị trường chung, nhà đầu tư ngoại đảo chiều mua ròng hơn 124 tỷ đồng tại UPCoM sau khi bán ròng trong tuần trước đó.

Đáng chú ý, dòng tiền ngoại có sự đảo chiều mạnh ở cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi khi mua ròng hơn 88,7 tỷ đồng, trái ngược so với tuần trước.

Bên cạnh đó, lực cầu cũng tập trung gom mua 69,6 tỷ đồng cổ phiếu NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. Cùng chiều, một số mã cũng ghi nhận giao dịch tích cực còn có CTR, ACV, VGT...

Khối ngoại - Ảnh 5.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều bán, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 46,8 tỷ đồng cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Đây là mã duy nhất ghi nhận lực xả trên 10 tỷ đồng trong tuần qua.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán ròng lần lượt LKW (4,1 tỷ đồng), HTG (3,2 tỷ đồng), TVN (3,2 tỷ đồng)...

Thảo Bùi

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.