|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp với mô hình chuỗi: Thành công nhiều, thất bại cũng nhiều

06:15 | 22/12/2017
Chia sẻ
Mô hình chuỗi đang được các bạn trẻ tại Bình Dương chọn lựa để khởi nghiệp. Có những bạn sau giai đoạn chập chững đặt những nền móng đầu tiên đã bắt đầu gặt hái thành công, nhưng nhiều bạn gặp thất bại ngay từ ban đầu.

Kinh doanh mô hình chuỗi theo trào lưu khó thành công

Chị Huỳnh Phương Thủy, ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, khoe chị vừa mở một siêu thị nhỏ (dạng Family Mart) trên đại lộ Bình Dương, qua 3 tháng hoạt động doanh thu rất khả quan. Mặt hàng chị bán chủ yếu là sữa, rau, củ, quả và thịt tươi các loại. Tuy quy mô siêu thị nhỏ nhưng khách hàng khá ổn định, chị bán toàn thực phẩm sạch nên khách hàng an tâm khi mua về sử dụng. Chị Thủy không giấu tham vọng sẽ mở thêm 2 - 3 siêu thị mini như vậy để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Khởi nghiệp từ việc bán mỹ phẩm qua mạng, chị Huỳnh Na, ở TX.Bến Cát, đã quyết mở một tiệm spa. Sau hơn 1 năm hoạt động khá thành công trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, chị Na quyết định về lại Bình Dương mở thêm chi nhánh spa. Hiện chi nhánh có khách hàng khá ổn định, chị Na đang có tham vọng mở thêm chuỗi spa trong thời gian tới.

khoi nghiep voi mo hinh chuoi thanh cong nhieu that bai cung nhieu
Chị Huỳnh Na (bên trái) đang thành công với mô hình chuỗi spa làm đẹp. Ảnh: Phùng Hiếu

Khởi nghiệp với mục tiêu mở thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ đang là xu thế thời thượng của các bạn trẻ tại Bình Dương. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặt hái được thành công từ mô hình 1 rồi nhân bản thành chuỗi. Anh Nguyễn Thành Tài, ngụ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ mô hình mì cay Hàn Quốc Yumi của anh tốn nhiều tâm huyết và tiền bạc. Theo đúng kế hoạch, chỉ cần quán mì cay đầu tiên trụ được 6 tháng anh sẽ nhân rộng mô hình thành chuỗi quán mì cay tại Bình Dương. Tuy nhiên, quán mì cay của anh ở đường Cách Mạng Tháng Tám, TX.Thuận An trụ không nổi 3 tháng. Anh phải sang quán lại vì gánh không nổi tiền thuê mặt bằng và lương cho nhân viên. Lý giải thất bại này, anh Tài nói, mô hình mì cay rất dễ làm, nhưng quán anh chưa tạo dựng được dấu ấn riêng để thu hút khách hàng. Hơn nữa, trào lưu đi ăn mì cay rộ lên một thời gian rồi lắng xuống, nên khách hàng đến quán thưa dần.

Cần sự học hỏi, kiên trì

Thời gian gần đây, tại Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ ăn uống có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 18%/năm. Do là nước đông dân, có lượng dân số trẻ đông đảo, Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng đối với các thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trẻ của Bình Dương chọn con đường mua lại quyền kinh doanh của các thương hiệu lớn về thức ăn nhanh như café HighLand, Starbucks, gà rán KFC… để khởi nghiệp. Tuy nhiên, kinh doanh dựa trên mô hình chuỗi có sẵn không phải ai cũng có điều kiện vì chi phí rất đắt đỏ. Chẳng hạn, hiện phí nhượng quyền cửa hàng trà sữa là 1,2 tỷ đồng, nhượng quyền gà rán là 6 - 8 tỷ đồng đối với các thương hiệu có giá trị. Chính vì thế, việc suy nghĩ, sáng tạo ra một mô hình kinh doanh, nếu thành công sẽ nhân bản thành chuỗi đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ có tham vọng.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng có 5 nhân tố cần ghi nhớ khi xây dựng mô hình kinh doanh chuỗi, gồm công thức tạo ra sản phẩm; số lượng mã sản phẩm; diện tích cửa hàng; biển bảng và mã thiết bị phục vụ bán hàng; số lượng nhân viên. Bên cạnh đó, 6 nguyên tắc buộc phải có, gồm: Logo, màu sắc, trang phục, trang thiết bị cần phải được sử dụng đồng nhất; cửa hàng xây dựng mô hình kinh doanh chuỗi phải được xây dựng quy trình một cách trật tự và hoàn hảo; chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải nhất quán trên toàn hệ thống; giá trị đem lại cho khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, các nhà đầu tư hơn những gì họ mong đợi...

Có thể thấy, để thành công trong việc chọn lựa khởi nghiệp bằng chuỗi cửa hàng không dễ như mong đợi. Thành công chỉ đến với những người dám nghĩ, dám làm, dám nhận thất bại để từ đó rút tỉa những bài học quý báu dành cho mình trên con đường kinh doanh.