Khoai tây chết héo - người dân lo mất mùa
Vụ xuân năm 2019, huyện Văn Bàn liên kết với Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp An Việt trồng hơn 100 ha khoai tây trên đất lúa tại 5 xã của huyện. Sau gần 2 tháng xuống giống, cây sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích đã cho củ và khá sai. Tuy nhiên, hiện tượng sâu bệnh, chết cây, thối củ đang xuất hiện tại một số xã.
Nhiều diện tích khoai tây ở Văn Bàn đang bị héo.
Sát thửa ruộng nhà anh Chài là hơn 2,5 sào ruộng trồng khoai tây của chị Lý Thị Hà cùng thôn. Giống như ruộng khoai nhà anh Chài, nhiều cây khoai của gia đình chị đã chết héo.Gia đình anh Sầm Văn Chài (thôn Trung Tâm, xã Khánh Yên Trung) là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi gần hết diện tích lúa nước vụ xuân sang trồng khoai tây với mong muốn sẽ có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, mấy ngày nay, không nỡ nhìn ruộng khoai tây giống của gia đình chết vàng, anh dành hết thời gian ở ruộng để phun thuốc, nhặt cây khoai chết theo hướng dẫn của công ty với hy vọng cứu vớt được phần nào. Nhìn những luống khoai đang héo rũ, anh Chài không khỏi xót xa: “Gần 6 sào khoai tây giống của gia đình tôi sắp đến ngày thu hoạch, thế mà nay lại vàng úa, chết cây, thối củ, không hiểu nguyên nhân do đâu”.
Cánh đồng khoai tây thôn Én 2 cũng tương tự, cây khoai tây bị vàng lá, thân nhũn và lan thành đám lớn. Người dân cho biết, có khi chỉ sau vài đêm, cả thửa ruộng chuyển màu. Nỗi lo lớn nhất của chị Sầm Thị Nhí (thôn Én 2) lúc này là thiếu lương thực trong thời gian tới vì chị đã chuyển đổi hết diện tích trồng lúa của gia đình sang trồng khoai tây. Chị cho biết, mong muốn của chị cũng như nhiều hộ khác là được Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp An Việt hỗ trợ đúng như cam kết ban đầu.
Còn tại xã Khánh Yên Hạ, diện tích khoai tây của xã là 13 ha trồng tại cánh đồng các thôn: Pắc Sung, Văn Tâm, Bô 1, Bô 2, Nà Lui. Hiện tại, có 3 ha cũng có biểu hiện vàng lá, nhũn cây.
Ngay sau khi nắm tình hình, các xã đã báo cáo ngành chuyên môn huyện; cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp An Việt đã trực tiếp xuống kiểm tra, xác định tình hình bệnh hại trên cây khoai tây và cung cấp toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Ông Đỗ Ngọc Hường, cán bộ kỹ thuật của công ty một mực khẳng định, hiện tượng vàng lá, héo cây xảy ra vào thời điểm cây được hơn 60 ngày là do đang trong giai đoạn xuống củ, chuẩn bị cho thu hoạch. Điều này không làm ảnh hưởng đến năng suất của cây.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay, một số diện tích khoai tây giống tại các xã tham gia liên kết với Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp An Việt có hiện tượng héo vàng, chết cây. Do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ, ruộng khoai không kịp thoát nước sau mưa nên đã xuất hiện sâu, bệnh hại.
Thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp là cách làm đang được khuyến khích, giúp người dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. Đây là cách làm mà cả nhà đầu tư và nông dân cùng có lợi. Tuy nhiên, nhiều mô hình lần đầu tiên triển khai không tránh khỏi những vướng mắc, phát sinh. Ngoài ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh thì người dân chưa thực hiện theo đúng quy trình cũng là nguyên nhân khiến một số diện tích không đạt năng suất như dự kiến. Để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa không phải là việc làm ngày một ngày hai mà là cả một quy trình, đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác của tất cả các bên: Ngành chuyên môn, người dân và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, những mô hình liên kết mới phát huy hiệu quả và bền vững.