|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba thách thức đối với sự thống trị của đồng USD

06:49 | 10/02/2025
Chia sẻ
Các chuyên gia từng dự đoán rằng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và thường xuyên của Mỹ sớm hay muộn sẽ gây ra sự mất niềm tin vào đồng USD và dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN).

Trang tin của Viện Lowy (Australia) mới đăng bài viết cho rằng hơn 50 năm kể từ khi đồng USD được thả nổi, các nhà kinh tế Mỹ đã hoàn toàn đồng ý với thông điệp năm 1971 của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Connolly gửi tới phần còn lại của thế giới: “Đó là tiền tệ của chúng tôi nhưng là vấn đề của bạn”. Tuy nhiên, bất chấp sự biến động về giá trị kể từ đó, đồng USD vẫn là đồng tiền được lựa chọn.

Các chuyên gia từng dự đoán rằng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và thường xuyên của Mỹ sớm hay muộn sẽ gây ra sự mất niềm tin vào đồng USD và dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng xảy ra (bong bóng công nghệ năm 2000 và làn sóng phá sản, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008) không phải do đồng USD gây ra. Các cuộc khủng hoảng này cũng không làm xáo trộn quá nhiều sự ổn định của đồng USD. Thâm hụt tài khoản vãng lai dường như không thành vấn đề.

Tuy nhiên, trong cuốn sách có tựa đề “King Dollar: Quá khứ và tương lai của đồng tiền thống trị thế giới”, tác giả Paul Blustein đã đặt ra một số câu hỏi về những thách thức mới đối với đồng USD. Đó là liệu đồng USD có thể giữ được “đặc quyền” là đồng tiền dự trữ và giao dịch toàn cầu hay không?

Liệu đồng USD có thể được “vũ khí hóa” thành công để thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại các đối thủ nước ngoài của Mỹ hay không? Tiền điện tử sẽ đánh bật đồng USD?

Đầu tiên là vấn đề “đồng tiền dự trữ”. Bất chấp sự phẫn nộ chung (hay có thể là sự ghen tị), đồng USD có lợi thế vượt trội: thị trường tài chính sâu rộng và thanh khoản, được hỗ trợ bởi một hệ thống pháp lý và quy định hiệu quả.

Các quốc gia có thể quy định các giao dịch thương mại của mình bằng các loại tiền tệ khác (như Saudi Arabia và Trung Quốc đã thảo luận về hoạt động buôn bán dầu mỏ của họ), nhưng quốc gia nhận được loại tiền tệ không phải USD này cần phải đầu tư.

Mong muốn của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS là tạo ra một loại tiền tệ chung và tránh giao dịch bằng đồng USD cũng vấp phải sự phản đối tương tự.

Thứ hai, vũ khí hóa hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD. Việc hạn chế khả năng thực hiện chuyển tiền quốc tế của các quốc gia mục tiêu mới xuất hiện gần đây hơn và gây nhiều tranh cãi hơn. Để bắt đầu, nó có thể được bỏ qua và càng được sử dụng nhiều thì càng có nhiều phương án thay thế cho thanh toán bằng USD sẽ được phát triển. Ông Blustein khuyên nên thận trọng. “Đặc quyền” có thể bị lạm dụng, có thể làm mất đi sự hợp tác cần thiết của các đồng minh của Mỹ.

Vấn đề thứ ba có thể được quan tâm nhiều nhất: những cơ hội được mở ra bởi các loại tiền kỹ thuật số. Điểm khởi đầu là sự phổ biến đáng kinh ngạc của tiền điện tử. Liệu loại tiền tệ này có thể thay thế không chỉ đồng USD mà còn thay thế tất cả các loại tiền tệ quốc gia hay không? Và nếu vậy thì hậu quả là gì?

Thành công của bitcoin là một bất ngờ lớn đối với hầu hết các nhà kinh tế. Tuy nhiên, không có loại tiền ảo nào có thể đáp ứng 3 yêu cầu về một loại tiền tệ phù hợp: cung cấp dịch vụ thanh toán hiệu quả, công cụ tiết kiệm an toàn và số liệu kế toán.

Do đó, đối thủ tiềm năng của đồng USD là “đồng tiền ổn định” - loại tiền kỹ thuật số có giá trị cố định so với đồng USD. Mối đe dọa lớn nhất là từ đề xuất đồng libra của Meta. Mỹ chưa sẵn sàng để chứng kiến công cụ chính sách quan trọng này bị một công ty tư nhân tiếp quản và do đó chấm dứt sáng kiến này.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tuy nhiên, một công cụ kỹ thuật số sẽ mở ra khả năng tạo ra một loại tiền tệ tốt hơn, hữu ích hơn, có lẽ với các điều kiện sẵn có (ví dụ thanh toán chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể). Có lẽ các ngân hàng trung ương phải là người cung cấp nó.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (câu lạc bộ các ngân hàng trung ương), trước đây không hào hứng với việc các ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số cho công chúng, giờ đây ủng hộ và quảng bá CBDC – tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng trung ương đều đã có phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ, cũng như hầu hết tất cả các hệ thống thanh toán và tiền gửi ngân hàng đều là kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc sử dụng nó bị hạn chế đối với những người chơi chủ chốt trong hệ thống thanh toán - chủ yếu là các ngân hàng.

Mặc dù vậy, hệ thống thanh toán hiện tại đã khá tốt. Nhiều chủ ngân hàng trung ương vẫn hỏi liệu CBDC có phải là một giải pháp để giải quyết vấn đề hay không. Trong khi đó, việc sử dụng đồng USD trên phạm vi quốc tế đòi hỏi sự điều chỉnh liên tục.

Liệu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể (và nên) tiếp tục cứu trợ những người tham gia thị trường đồng USD, như đã xảy ra vào năm 2008 và một lần nữa khi bắt đầu đại dịch COVID-19 để giữ được vị thế là thị trường tài chính toàn cầu vượt trội hay không?

Và nếu lãi suất thả nổi có tác dụng với Mỹ, vậy phần còn lại của thế giới thì sao? Thị trường tài chính quốc tế được liên kết thông qua dòng vốn. Điều này có nghĩa là những nước khác phải thích ứng với chính sách tiền tệ của Mỹ. Nếu muốn có một mức lãi suất khác nhiều so với chính sách của Fed, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự bóp méo cân bằng tỷ giá hối đoái, điều này có thể không phù hợp với nền kinh tế trong nước.

Những dòng vốn quốc tế tự do này là một phần không thể thiếu trong thế giới quan của Phố Wall. Chúng thường không ổn định, với sự đảo chiều đột ngột gây ra các cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái ở Mỹ Latinh những năm 1980, Mexico năm 1994 và châu Á năm 1997.

Các quốc gia mới nổi đã tích lũy dự trữ ngoại hối đáng kể để xoa dịu những biến động này, nhưng đây là cách sử dụng mang lại lợi nhuận thấp đối với khoản tiết kiệm khan hiếm của họ.

Khi các quốc gia này vay bằng đồng USD trên thị trường vốn quốc tế, họ dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của tỷ giá đồng USD, điều này có thể khiến khoản nợ của họ không bền vững.

Thanh Tú (P/V TTXVN Tại Sydney)

CEO REE: 'Khó khăn nhất là quy trình cấp phép, có dự án điện rác ba năm vẫn chưa được thông qua'
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE, ngoài điều kiện về PPA và DPPA, việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng ba năm vẫn chưa thông qua được.