Khó hiểu về room khối ngoại của cổ phiếu STB
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thu hút sự chú ý của thị trường khi được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với giao dịch khối ngoại lớn. "Room" ngoại của ngân hàng đã gần chạm ngưỡng 30% vào ngày 10/2.
Tuy nhiên, ngay sau đó, HĐQT Sacombank đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) liên quan đến tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.
Ngân hàng cho biết ngày 12/11/2015, Sacombank đã được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank. Theo đó, vốn cổ phần của Sacombank từ hơn 1.485 triệu cổ phần trước khi sáp nhập đã tăng lên hơn 1.885 triệu cổ phần.
Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên, VSD đã ra thông báo: Kể từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là hơn 23,6% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau khi sáp nhập là hơn 1.885 triệu cổ phiếu.
Phía Sacombank cho biết, từ ngày có thông báo nêu trên, Sacombank chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
"Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 10/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu hơn 565 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,99%", văn bản nêu.
Do đó, Sacombank đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/9/2016 ở mức 23,6%.
Đồng thời, trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Trao đổi với chúng tôi phía ngân hàng cho hay đang đợi phản hồi từ phía UBCK Nhà nước và VSD về con số trên.Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại con số "room" ngoại của cổ phiếu STB là 23,6% hay 30% vẫn là một dấu chấm hỏi.
Trong trường hợp room ngoại vẫn giữ ở ngưỡng 23,6% như thông báo ngày 19/9/2016 của VSD thì việc điều chỉnh "room" ngoại từ ngưỡng xấp xỉ 30% hiện nay về 23,6% sẽ được xử lý ra sao cũng là một vấn đề.
Mức chênh lệch cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu giữa hai mức "room" này lên tới 120 triệu cổ phiếu.
Gần đây nhất, trong phiên giao dịch ngày 8/2, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 1,6 triệu cổ phiếu STB nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 112,8 triệu cổ phiếu (tương đương 5,984% vốn Sacombank) lên hơn 114,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,0689%).
Trong phiên ngày 15/2, cổ phiếu STB tiếp tục chịu áp lực bán mạnh và giảm 4,3% xuống 23.350 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này cũng tăng gấp đôi lên 33,3 triệu đơn vị. Phần lớn áp lực bán này đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong phiên hôm nay, khối này đã bán ròng 177 tỷ đồng cổ phiếu STB sau thời gian gom mua mạnh.
Sacombank được đánh giá là điểm sáng tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ. Chỉ sau hơn 5 năm, ngân hàng đã đạt được những bước tiến vững chắc, các mục tiêu trọng tâm của Đề án tái cơ cấu như xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được thực hiện với tốc độ ấn tượng.
Ngân hàng dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn tất tái cơ cấu thay vì đến năm 2025 như Đề án cho phép.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận hợp nhất của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.