Kho bạc Nhà nước gửi hơn 290.000 tỷ đồng tại Big4, cao nhất kể từ cuối năm 2021
Thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2024 của các ông lớn Big4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cho thấy số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại những nhà băng này tiếp tục tăng mạnh so với đầu năm.
Cụ thể, tại VietinBank, tính đến cuối quý II, KBNN đang gửi 107.718 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, gấp hơn 5 lần so với cuối năm 2023. So với thời điểm cuối quý I, số tiền này cũng gấp hơn hai lần.
Tương tự tại BIDV, số dư tiền gửi của KBNN đạt 120.265 tỷ đồng. Trong đó, 118.251 tỷ đồng là loại hình có kỳ hạn và 2.014 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Con số này gấp hơn 6 lần so với số dư 19.000 tỷ đồng tiền gửi vào cuối năm 2023 và gần 3 lần so với số dư tiền gửi vào cuối quý I/2024.
Vietcombank nhận được số tiền gửi ít hơn, đạt 62.534 tỷ đồng vào cuối quý II, trong đó 60.568 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.966 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn bằng cả VND lẫn ngoại tệ. Đầu năm nay, Vietcombank chỉ mới nhận được gần 770 tỷ đồng tiền gửi của KBNN. Đến cuối quý I, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng này mới đạt hơn 3.300 tỷ đồng.
Agribank là ông lớn Big 4 nhận được ít tiền gửi của KBNN nhất. Tính đến cuối quý II, số dư tiền gửi của KBNN tại Agribank chỉ là 1.099 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Như vậy, tổng số tiền gửi của KBNN tại Big4 lên tới 291.616 tỷ đồng, cao nhất kể từ cuối năm 2021.
So với kết quả cuối quý I/2024, số dư tiền gửi của KBNN đã cao gấp hơn ba lần. Còn so với cuối năm 2023, chênh lệch lên tới hơn 7 lần.
Tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng quốc doanh tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 3%.
Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm 2024 của KBNN, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, cho biết tồn ngân quỹ lên tới 1 triệu tỷ đồng đến từ nguồn vốn đầu tư công và nguồn tiền từ cải cách tiền lương.
Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền không kỳ hạn và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải ngân hàng nào cũng được tiếp cận.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến 31/10/2023, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.
Với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tiền gửi KBNN ở là một nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể giúp nhóm Big4 giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng. Kể từ cuối quý I đến nay, các ngân hàng trong nhóm Big4 hầu như vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất quá mạnh, bất chấp xu hướng tăng lãi suất chung trên toàn thị trường.
Theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm Big4 vẫn đang duy trì ở mức 4,68%, trong khi lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã tăng 0,5 điểm %, còn lãi suất nhóm ngân hàng khác (các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn) đã tăng tới 0,64 điểm %.
Theo quy định tại Thông tư 26/2022/TT-NHNN, một phần số dư tiền gửi có kỳ hạn của KBNN sẽ được tính vào cấu phần tổng tiền gửi khi tính toán tỷ lệ LDR (tỷ lệ huy động/cho vay - thường được dùng để đo lường rủi ro thanh khoản).
Tuy nhiên, đến đến năm 2024, số dư tiền gửi có kỳ hạn của KBNN sẽ bị khấu trừ 60% khi tính toán LDR, tăng từ mức 50% áp dụng trước đó. Điều này có nghĩa, các ngân hàng thương mại chỉ còn được tính 40% tiền gửi có kỳ hạn của KBNN vào cấu phần tổng tiền gửi.
Việc tỷ lệ khấu trừ tăng từ 50% lên 60% sẽ làm gia tăng áp lực huy động đối với các ngân hàng, đặc biệt là nhóm Big4 - vốn nhận hầu hết tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.