Khi xe tải, tên lửa cũng được bán online
Những ngày này, gần như mọi thứ có thể được bán thông qua hình thức livestream như nhà cửa, bảo hiểm, xe tải, thậm chí là tên lửa.
Tại Trung Quốc, livestream đã trở thành xu hướng khi đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp tìm kiếm các kênh tiếp thị mới để tiếp cận lượng khách hàng đang phải ở nhà tránh dịch.
Kênh tiếp thị đầy tiềm năng
Tuần trước, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - một trong những ngân hàng lớn nhất nước này - lần đầu tổ chức livestream trên ứng dụng thanh toán di động Alipay. Buổi livestream chia sẻ cách xác định, báo cáo gian lận tài chính cũng như cách quản lý tài sản. Đã có hơn 620.000 người xem livestream trong một giờ đầu tiên.
"Khách hàng ở đâu, dịch vụ của chúng tôi sẽ ở đó", Shen Jie, cố vấn ICBC cho biết ngân hàng sẽ sử dụng Internet để tiếp cận nhóm khách hàng trung niên và cao tuổi bằng các buổi livestream chia sẻ kiến thức.
Livestream đã phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Khởi đầu với lĩnh vực game rồi mở rộng sang thương mại điện tử, giờ đây livestream còn trở thành kênh tiếp thị ưa thích của nhiều doanh nghiệp khắp lĩnh vực. Trên thực tế, khách hàng có thể tìm thấy hầu hết sản phẩm cần thiết thông qua livestream.
Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và giải trí đã giúp livestream trở thành kênh tiếp thị đầy tiềm năng. Theo hãng nghiên cứu iiMedia, lượng người dùng các dịch vụ livestream tại Trung Quốc được dự báo sẽ là 526 triệu trong năm nay, tăng mạnh so với con số 504 triệu của năm 2019.
Sandy Shen, giám đốc nghiên cứu của Gartner nhận định đại dịch là chất xúc tác để livestream phát triển. Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực ngày càng ưa chuộng livestream do sự chuẩn bị đơn giản, chi phí bỏ ra thấp nhưng có thể thu hút lượng người xem lớn.
Bán xe tải, bảo hiểm, tên lửa thông qua livestream
Thành lập cách đây 2 năm, Sany Truck là đơn vị kinh doanh xe tải thuộc Sany Group, một trong những công ty sản xuất máy móc xây dựng lớn nhất Trung Quốc. Giờ đây, doanh nghiệp này đang thử nghiệm cách tiếp cận khách hàng thông qua Internet, cụ thể là livestream.
Khác với những công ty công nghiệp nặng chủ yếu bán hàng qua kênh offline và nhà phân phối, Sany Truck đã áp dụng bán hàng online từ rất sớm thông qua ứng dụng tự phát triển. Giờ đây, họ còn tham gia các mạng xã hội video như Douyin (TikTok Trung Quốc) hay Kuaishou (Zynn Trung Quốc) để tiếp cận khách hàng.
Sany Truck bắt đầu livestream từ tháng 2, thời điểm hàng triệu người phải ở nhà khi phần lớn lãnh thổ Trung Quốc bị phong tỏa để tránh virus bùng. Cuối tháng 2, công ty này đã bán được 186 chiếc xe tải sau buổi livestream bán hàng dài 2 giờ trên Douyin.
Guo Yi, giám đốc mảng tiếp thị số của Sany Truck cho biết đây là con số ngoài mong đợi vì dự đoán ban đầu chỉ bán được 20-30 chiếc thông qua livestream.
Từ thành công trên, Sany Truck đã lập đội ngũ phụ trách livestream với 7 nhân viên, lên sóng 2-3 lần mỗi tuần để giới thiệu sản phẩm. Tháng 4 vừa qua, công ty này đã giới thiệu mẫu xe tải mới trên livestream, thu hút 320.000 lượt xem và 600 đơn đặt hàng.
Một trong những thách thức đối với công ty truyền thống khi bán hàng livestream là nội dung. Thay vì ngồi kể ra lợi ích sản phẩm, sẽ tốt hơn nếu áp dụng phong cách "trẻ trung, thời trang và hài hước" để thu hút người xem, theo Guo.
Vào ngày 1/4, một chiếc tên lửa trị giá 5,6 triệu USD đã được đặt mua trên trang bán hàng trực tuyến Taobao của Trung Quốc. Buổi đấu giá tên lửa KZ-1A do ExPace và Taobao hợp tác tổ chức đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trực tiếp, các video liên quan cũng đạt hơn 500 triệu lượt xem trên mạng xã hội Sina Weibo.
CEO công nghệ cũng bán hàng qua livestream
Giữa cơn sốt livestream, nhiều lãnh đạo và doanh nhân trong ngành công nghệ cũng tham gia livestream để quảng cáo sản phẩm.
Vào tháng 5, Dong Mingzhu, chủ tịch hãng đồ gia dụng Gree Electric đã giúp công ty bán được 43,8 triệu USD sản phẩm nhờ xuất hiện trong buổi livestream dài 3 giờ trên Kuaishou.
Shen Peng, giám đốc Waterdrop, công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến cũng làm MC cho buổi livestream bán bảo hiểm dài một giờ của công ty trên Kuaishou. Buổi livestream giúp Waterdrop thu về 1,4 triệu USD. Dù vậy, Shen cho biết công ty sẽ không xem livestream là phương thức bán hàng chính.
Vào tháng 4, Luo Yonghao, CEO Smartisan - công ty smartphone phổ biến ở Trung Quốc đã thu về 15,5 triệu USD với 48 triệu người xem buổi livestream đầu tiên của ông. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, ông đã bán từ điện thoại Xiaomi đến dao cạo Gillette và các vật dụng khác.
Khi đó, các đối thủ trong ngành công nghệ gồm Lu Weibing, Chủ tịch Xiaomi tại Trung Quốc và Wang Xiaochuan, nhà sáng lập và CEO của Sogou, cũng tham gia livestream. Họ đã trao bao lì xì ảo trị giá hơn 700.000 tệ cho những người xem ngày hôm đó.
Sandy Shen, giám đốc nghiên cứu Gartner cho rằng livestream sẽ trở thành xu hướng tiếp thị chính trong 5 năm tới, tuy nhiên đây chỉ là một trong những phương thức bán hàng của thương mại điện tử và không phải lúc nào cũng phổ biến.
"Mua hàng qua livestream thường đến từ những quyết định nhanh chóng, dựa trên giảm giá để thu hút người dùng. Nên xem livestream là nơi quảng bá chương trình khuyến mãi hơn là mô hình kinh doanh chính", Shen nhận định.