|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi thế giới lao đao vì COVID-19, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lại quá tải vì nhu cầu tăng vọt

13:02 | 01/04/2020
Chia sẻ
Nhu cầu lưu trữ và xử lí dữ liệu lớn tới mức Microsoft phải thông báo với các khách hàng của dịch vụ Azure rằng tập đoàn gặp khó khăn lớn tại một số vùng ở Australia.

Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đang trở thành một trong những đối tượng hưởng lợi hiếm hoi giữa đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nhiều văn phòng và cửa hàng đóng cửa trên toàn thế giới thúc đẩy các hoạt động trực tuyến.

Dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu đến từ Amazon, Microsoft, Google và một số cái tên khác đang là trụ cột không thể thiếu trong việc kết nối nhiều công ty, gia đình, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là để giải trí.

Điện toán đâm mây là những hạ tầng đứng đằng sau các dịch vụ như công cụ hỗ trợ làm việc từ xa Slack, dịch vụ streaming video Netflix hay các trò chơi của Epic Games Inc.

Khi thế giới lao đao vì COVID-19, doanh nghiệp mảng này lại phục vụ không hết khách hàng - Ảnh 1.

Thay vì đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin riêng, nhiều công ty bắt đầu tính đến phương án thuê năng lực điện toán của một bên thứ ba như Amazon hay Microsoft. Ảnh: Bloomberg

Thời gian gần đây, nhu cầu lưu trữ và xử lí dữ liệu lớn tới mức Microsoft phải thông báo với các khách hàng của dịch vụ Azure rằng tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn tại một số vùng ở Australia.

"Vì lượng người dùng Azure tăng lên, năng lực phục vụ tại một số khu vực đã chạm mốc giới hạn", Microsoft nói.

Microsoft cũng khẳng định tập đoàn đang chủ động theo dõi nhu cầu của người dùng để hỗ trợ và đáp ứng tốt hơn.

"Nếu coi điện toán đám mây là một dịch vụ công, thật khó có thể tưởng tượng có một dịch vụ nào, cho dù là điện hay nước, có thể đáp ứng được mức sử dụng tăng thêm tới 50%", Matthew Prince, CEO công ty điện toán đám mây Cloudflare, chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

"Mảng dịch vụ điện toán đám mây đang thực sự là một điểm sáng hiếm hoi trong cơn khủng hoảng này", ông nói thêm.

Công cuộc chuyển đổi sang điện toán đám mây đã bắt đầu từ khoảng một thập niên trước, khi các công ty không còn muốn đầu tư vào hạ tầng phần cứng riêng. Thay vào đó, họ thuê các năng lực công nghệ từ những cái tên như Amazon hay Microsoft.

"Nếu nhìn vào Amazon hoặc Azure và lưu lượng sử dụng hạ tầng tăng lên trong hai tuần qua, bạn sẽ bất ngờ vì những nỗ lực họ đã bỏ ra để duy trì vận hành", Dave McJannet, CEO HashiCorp, nhận định. "Những cuộc khủng hoảng như thế này đã thúc đẩy nhanh quá trình 'lên mây' của doanh nghiệp".

Trong một thông điệp gửi tới nhân viên, Andy Jassy, người đứng đầu Amazon Web Services, yêu cầu nhân sự "nghĩ đến tất cả khách hàng AWS và những khó khăn của họ khi tất cả mọi người đều ở nhà".

Một người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về những con số cụ thể nhưng cho biết tập đoàn "đang áp dụng nhiều biện pháp để chuẩn bị và tự tin có thể đáp ứng được nhu cầu người dùng trong dịch COVID-19".

Brad Schick, CEO của công ty hỗ trợ di chuyển hệ thống IT sang điện toán đám mây Skytap, cũng tiết lộ công ty chứng kiến tăng trưởng 20% trong một tháng vừa qua. "Động lực tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy khi doanh nghiệp nghĩ phương án đối phó với virus corona".

Với nhiều công ty, điểm cộng của dịch vụ điện toán đám mây là họ luôn có thể mua thêm năng lực xử lý khi cần và ngược lại, giảm bớt dịch vụ trong mùa thấp điểm.

Dù vậy, không phải mọi nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều hưởng lợi. Nhiều công ty điện toán đám mây phục vụ nhóm khách hàng lữ hành, khách sạn và hàng không cũng đang cảm nhận cú đánh từ COVID-19.

Với nhóm công ty này, sụt giảm lớn về doanh thu là hậu quả dễ hiểu trong bối cảnh các khách hàng giảm chi tiêu mạnh tay chờ dịch tan.

Thái Sơn