|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi chuỗi đồ uống, ông lớn bán lẻ gia nhập thị trường bánh trung thu

11:38 | 19/09/2023
Chia sẻ
Ngoài những cái tên quen thuộc như KIDO, Hữu Nghị hay Girval... thị trường bánh trung thu năm 2023 cũng được khuấy động thêm bởi sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ hay F&B.

Cuối tháng 7, chuỗi đồ uống Phúc Long đã tung ra sản phẩm bánh trung thu có tên là Thanh Dạ Thưởng Nguyệt, gồm 11 loại khác nhau.

Các mẫu bánh lẻ của Phúc Long được phân phối trên cả website và bán trực tiếp tại cửa hàng. Giá bán dao động từ 119.000 đồng tới 169.000 đồng mỗi chiếc. Ngoài bánh lẻ, chuỗi đồ uống thuộc tập đoàn Masan còn có thêm các set quà cho những người có nhu cầu.

Mỗi set quà tặng bánh trung thu gồm 4 chiếc, có giá từ 550.000 đồng tới cao nhất lên đến 1,19 triệu đồng. Để thu hút khách mua nhiều, Phúc Long đưa ra chương trình chiết khấu 20% khi mua từ 50 bánh trở lên.

 Phúc Long là một trong những ông lớn F&B tham gia thị trường bánh trung thu năm nay. (Ảnh: Phúc Long).

Chuỗi đồ uống khác là Katinat Saigon Coffee cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng khi mở đơn đặt bánh trung thu vào giữa tháng 8. Sản phẩm bánh trung thu Katinat cố định ở hai mức giá là 89.000 đồng cho bánh lẻ và 799.000 đồng cho set quà tặng một hộp 4 bánh.

Hai chuỗi cà phê có quy mô cửa hàng lớn khác là Highlands Coffee và The Coffee House cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi tung ra những mẫu bánh trung thu với các chủ đề riêng.

The Coffee House cho biết họ tiếp tục đưa ra sản phẩm chính là bánh trung thu vị cà phê trứng muối với cải tiến ở phần nguyên liệu khi có thêm lựa chọn tinh than tre. Thương hiệu thuộc hệ sinh thái Seedcom tung ra 6 vị bánh với giá bán lẻ là 135.000 đồng/chiếc.

Highlands Coffee, chuỗi cà phê có thị phần lớn nhất Việt Nam, vẫn giữ truyền thống khi chỉ đưa ra ba hương vị bánh trung thu là hạt sen trứng chảy, thập cẩm Sài Gòn và trà xanh đậu đỏ.

Thay vì chạy theo việc mở rộng sản phẩm, Highlands thường chọn thay đổi hương vị theo từng năm và cấu trúc bộ sưu tập bánh trung thu của thương hiệu này không có biến động nhiều thường chỉ 3-4 hương vị. Giá bán lẻ dao động từ 99.009 đồng tới 109.000 đồng/chiếc

Starbucks Coffee là một chuỗi đồ uống ngoại hiếm hoi cũng có sở hữu bộ sưu tập bánh trung thu cho riêng mình. Năm nay, chuỗi này tung ra bộ quà tặng bánh trung thu với hai mức giá 400.000 đồng cho set hai bánh và 700.000 đồng cho set 4 bánh.

Ngoài cửa hàng flagship online, Starbucks cũng phân phối bánh trên nền tảng TikTok Shop và Shopee Mall.

Không chỉ các tuổi ngành F&B, nhiều ông lớn bán lẻ cũng không bỏ lỡ mùa kinh doanh này khi cho ra mắt hàng loạt sản phẩm bánh trung thu phục vụ thị trường với đủ tầng giá.

Đơn cử, WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi WinMart/WinMart+, dự kiến đưa hơn một triệu bánh trung thu vào thị trường thông qua bộ sưu tập gồm 4 vị truyền thống.

Như thông lệ, WinCommerce nhắm vào tập khách tầm trung, vì thế giá bán lẻ cho từng vị bánh của đại gia bán lẻ là 55.000 đồng/bánh và 220.000 đồng/hộp 4 bánh. Với phân khúc sản phẩm cao cấp hơn, mức giá có nhích nhẹ lên mức 75.000 đồng/bánh và 300.000 đồng cho set 4.

Phía WinCommerce cho biết năm nay mẫu bánh trung thu của họ rất được khách hàng đón nhận, khi đơn hàng sỉ đều được đặt từ sớm và tăng gần 5% so với năm ngoái. Doanh nghiệp cũng tung ra chính sách chiết khấu lên tới 15% để kích cầu.

 Sản phẩm bánh trung thu dành cho năm 2023 của WinCommerce. (Ảnh: WinMart).

Với AEON Việt Nam, ông lớn bán lẻ Nhật Bản không chỉ phân phối các sản phẩm từ thương hiệu khác mà hệ thống này cũng tung ra nhiều mẫu bánh của riêng mình với phân khúc giá dễ chịu từ 40.000 đồng tới 70.000 đồng mỗi chiếc.

Theo giới thiệu bánh trung thu AEON Handmade được làm bằng phương pháp thủ công truyền thông với đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng khi có đến 10 hương vị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tung ra sản phẩm bánh nướng tạo hình thú như heo con, thỏ con, nhím con với giá chỉ từ 34.000 đồng/chiếc.

Thùy Trang