|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khi các chủ tịch HĐQT bỏ tiền túi giúp doanh nghiệp

08:52 | 12/05/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Hội đồng quản trị của một số doanh nghiệp nổi tiếng như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn FLC, HAGL, Quốc Cường Gia Lai ... không chỉ là người diều hành, lãnh đạo cao nhất mà đôi khi còn là người sẵn sàng dùng tài sản cá nhân của mình để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp khi cần.

Hòa Phát: Chủ tịch dùng 100 triệu cổ phiếu để bảo đảm cho công ty con vay tiền

Ngày 9/5 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã thông qua việc Chủ tịch Trần Đình Long dùng 100 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của cá nhân ông để bảo đảm cho CTCP thép Hòa Phát Dung Quất vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Thành Công.

Mục đích vay vốn là để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với hạn mức 1.700 tỉ đồng. Tính theo giá đóng cửa ngày 9/5, 100 triệu cổ phiếu HPG có tổng trị giá khoảng 3.290 tỉ đồng.

Ông Trần Đình Long hiện sở hữu gần 534,2 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng với tỉ lệ 25,15% vốn điều lệ, tổng trị giá khoảng 17.500 tỉ đồng. Như vậy, ông Long mới chỉ dùng chưa tới 1/5 số cổ phiếu của mình. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền đang nắm giữ gần 155 triệu cổ phiếu HPG, trị giá trên 5.000 tỉ đồng.

CTCP thép Hòa Phát Dung Quất là công ty con do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn. Đây là đơn vị trực tiếp thực hiện "Đại dự án" Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 65.000 tỉ đồng, tăng khoảng 13.000 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu.

Để thực hiện Dự án này, Hòa Phát đã kí hợp đồng vay khoảng 20.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và khoảng 10.000 tỉ đồng từ Vietcombank.

Ông Trần Đình Long từng nhận định năm 2019 sẽ là một năm nhiều khó khăn với Hòa Phát nói riêng và các công ty thép nói chung khi giá đầu vào cao sau sự cố vỡ đập của tập đoàn sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Brazil). Do vậy, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 đạt 70.000 tỉ đồng, tăng 27% so với kết quả năm 2018; nhưng mục tiêu lợi nhuận ròng 6.700 tỉ đồng, giảm 22%.

Thực tế trong quí I vừa qua, Hòa Phát lãi ròng 1.810 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kì 2018.

 


Quốc Cường Gia Lai: Gia đình Chủ tịch cho công ty vay hàng trăm tỉ, thế chấp hết cả nhà cả xe

Trong năm 2018, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) vay xấp xỉ 500 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch kiêm CEO công ty. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cho vay 19 tỉ đồng. Ông Lại Thế Hà - Ủy viên HĐQT cho vay gần 64 tỉ đồng, bà Lại Thị Hoàng Yến đứng đầu danh sách cho vay với số tiền lên tới 735 tỉ đồng.

Khi các chủ tịch HĐQT bỏ tiền túi giúp doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các lãnh đạo và cổ đông của QCGL cho công ty vay tổng cộng hàng ngàn tỉ đồng. Trích báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Lại Thị Hoàng Yến là con gái của UỦy viên HĐQT Lại Thế Hà. Ngoài ra, bà Yến còn là người đứng tên của nhiều doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH Bắc Phước Kiển – công ty nhận chuyển nhượng dự án Sparke Values của QCGL năm 2017, CTCP Giai Việt (công ty con QCGL nắm 74,45% vốn); Công ty TNHH BĐS Quốc Cường Phước Kiển (công ty con QCGL nắm 80% vốn) và Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Phạm Gia (công ty liên kết QCGL nắm 43,81% vốn).

Tính đến ngày 31/3 năm nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn còn phải trả tiền vay cho bà Như Loan hơn 71 tỉ đồng, con gái bà Loan hơn 34 tỉ đồng, ông Lại Thế Hà gần 12 tỉ đồng và bà Lại Thị Hoàng Yến hơn 52 tỉ đồng.

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan cho biết: Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc với tổng diện tích 150 ha. Chủ yếu diện tích trong số này là đất nông nghiệp, doanh nghiệp khẳng định đã đền bù cho dân và nguồn gốc đất không phải là đất công.

Bà nói thêm: "Nếu không vì 3.000 cổ đông, không vì nợ ngân hàng, không vì trách nhiệm với 3.000 nhân viên thì tôi tự tử chết. Tôi sẽ để di chúc, tâm thư cho nhà nước để tháo gỡ".

Nói về việc dùng tiền của mình cho Quốc Cường Gia Lai vay, bà Loan cho biết đã "vét hết tiền trong nhà" cho doanh nghiệp: "Xe của tôi đi, nhà tôi ở cũng mang thế chấp để góp tiền cho doanh nghiệp hết rồi. Cả 12 dự án đang đứng im, tôi chỉ muốn khóc."

Bà Nguyễn Thị Như Loan hiện đang sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỉ lệ 37,4%. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My đang sở hữu hơn 39 triệu cổ phiếu QCG nữa. Con trai bà Loan là Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) đang sở hữu 537.500 cp QCG.

Hoàng Anh Gia Lai: Bầu Đức bảo lãnh khoản phải thu nghìn tỉ, cam kết bỏ tiền túi thực hiện phán quyết của tòa

Một công ty khác cũng trong cảnh khó khăn và ban lãnh đạo dùng tài sản cá nhân để hỗ trợ là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG).

Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2018 cho thấy, tại ngày 31/12, HAGL phải thu từ 14 công ty thuộc nhóm An Phú tổng số tiền là 7.595 tỉ đồng. Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định khả năng thu hồi của 2.593 tỉ đồng bao gồm trong số dư 7.595 tỉ đồng nêu trên, và do vậy đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

HAGL thì cho biết ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT công ty và các cá nhân có liên quan cam kết bảo lãnh 2.157 tỉ đồng đối với khoản phải thu từ An Phú. Công ty cho rằng do giới hạn phạm vi kiểm toán hẹp nên kiểm toán viên không thể kiểm tra được hết và đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi nêu trên và đưa ra ý kiến ngoại trừ với số phải thu là gần 2.593 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2018 còn cho thấy HAGL đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp Hợp đồng góp vốn được kí kết ngày 19/12/2011 giữa HAGL, FPT Capital, HAGL Agrico (công ty con của HAGL, tiền thân là Tổng Công ty cổ phần cao su Hoàng Anh Gia Lai), và ông Đoàn Nguyên Đức.

Tuy vậy, bầu Đức cũng đã cam kết có đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng tùy vào phán quyết của Tòa án mà không yêu cầu HAGL phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này. Nói cách khác, nếu Tòa án tuyên FPT Capital thắng kiện thì bầu Đức sẽ chi hơn 141 tỉ đồng để thực hiện quyết định của Tòa án, không dùng đến tiền của HAGL.

Trước đó, theo báo cáo tài chính bán niên 2018, ông Đức đang cho HAGL vay số tiền lên tới 1.557,5 tỷ đồng. Dù vậy, theo giải thích của công ty, số tiền này thực chất được Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho mượn tạm thông qua "bầu Đức". Khoản tiền này đã được hoàn trả trong tháng 8/2018 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi. Trái chủ là Thaco sẽ chuyển đổi gói trái phiếu này thành vốn cổ phần khi trái phiếu đáo hạn tháng 8/2019.

Tập đoàn FLC: Vợ chồng Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cầm cố bất động sản cá nhân cho công ty vay tiền

Tại buổi Gặp gỡ nhà đầu tư do Tập đoàn FLC tổ chức tại Quần thể FLC Sầm Sơn năm 2015, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết từng nói "Nếu đến năm 2016, cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá, tôi sẽ huy động mọi nguồn lực của anh em bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản cá nhân để mua cổ phiếu FLC".

Không rõ sau đó ông Quyết có cầm cố tài sản cá nhân để mua cổ phiếu FLC hay không nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2018, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã cầm cố bất động sản cá nhân để đảm bảo cho một khoản vay của Tập đoàn FLC tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội với hạn mức tín dụng 100 tỉ đồng và các khế ước nhận nợ từng lần.

Mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động kinh doanh vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị văn phòng, máy xây dựng, thời hạn vay không quá 6 tháng theo hợp đồng tín dụng ngày 28/10/2016.

Khoản vay được đảm bảo bằng bất động sản tại B12-BT6, tại B28-BT1A, tại B30-BT6, B3-BT6, B32-BT6 khu đô thị mới Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Tổng giá trị định giá cho khoản đảm bảo này là hơn 95 tỉ đồng.

Các báo cáo tài chính định kì sau đó (gần đây nhất là báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2019) vẫn thể hiện các bất động sản trên được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, nhưng không nêu rõ chủ sở hữu của bất động sản là ai.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.