Ách tắc 12 dự án, CEO Quốc Cường Gia Lai nói 'không vì trách nhiệm với 3.000 nhân viên thì đã tự tử'
Tại Hội nghị Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hôm nay (ngày 10/4), bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) cho rằng, thời gian qua, quy định về "đất ở hợp pháp" để chấp thuận chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại đã được hướng dẫn và áp dụng theo kiểu "trói chân tay" các doanh nghiệp BĐS của thành phố.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp BĐS. (Ảnh: Hiếu Quân)
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc với tổng diện tích 150 ha. Chủ yếu diện tích trong số này là đất nông nghiệp, doanh nghiệp khẳng định đã đền bù cho dân và nguồn gốc đất không phải là đất công.
"Chỉ có 3.000 m2 đất ở tại huyện Nhà Bè, đây là dự án nhỏ nhất trong số 150 ha của Quốc Cường Gia Lai. Hiện tại, những người thụ lý hồ sơ thực thi phát luật đang rất hoang mang, lo rằng trưởng phòng không trình thì sao lãnh đạo Sở ký được? Đó là thực tiễn rất đau lòng, khổ tâm. Nếu không vì 3.000 cổ đông, không vì nợ ngân hàng, không vì trách nhiệm với 3.000 nhân viên thì tôi tự tử chết. Tôi sẽ để di chúc, tâm thư cho nhà nước để tháo gỡ", bà Loan nói.
Theo bà, việc phát triển 3.000 m2 đất này để "lấy vài trăm tỉ trang trải cho 3.000 công nhân viên cán bộ của công ty, tất cả đều đang chậm, từ cao su, thủy điện đến BĐS".
Lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cho hay, 3.000 m2 đất ở này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 11/2017 (chỉ có hạn 12 tháng). Tháng 10/2018, Sở Xây dựng đã trình Ủy ban, doanh nghiệp cũng đã được duyệt quy hoạch 1/500, tất cả hồ sơ đều đủ, "không sai một dấu phẩy".
"Nhưng khi trình đến UBND TP để xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chuyên viên của UBND TP gửi về vì Sở Xây dựng ghi là 'cơ bản hoàn thành' chứ không phải là 'hoàn thành'. Chỉ vì một câu chữ mà bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu, xin duyệt lại 1/2000 bổ sung trong khi chúng tôi đã được duyệt 1/500 rồi", bà Loan bức xúc.
Bà kiến nghị thành phố sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vấn đề này để khai thông các dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở tại TP HCM hiện tại.
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã: NVL) đóng góp ý kiến nhận định về thị trường nhà đất TP HCM hiện tại.
Theo ông, thị trường đang trong bối cảnh huy động vốn nước ngoài khá thuận lợi. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thủ tục pháp lý tại các dự án đang rất chậm nên nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên e dè.
Họ sợ rủi ro tài chính nên đang có tâm lý chờ động thái tích cực từ cơ quan nhà nước. Việc kéo dài thời gian rà soát kiểm tra, chậm triển khai tại các dự án sẽ làm mất cơ hội của các doanh nghiệp. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải trả thêm chi phí rất cao kèm với các điều kiện bổ sung khiến các hoạt động kém hiệu quả, lãnh đạo Novaland phân tích.
"Đối với Novaland, ngoài 7 dự án tại quận Phú Nhuận, chúng tôi còn 10 dự án khác được giao đất đầu tư, đến nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, khách hàng cũng đã vào ở, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà vẫn chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho cư dân. Hiện xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự an ninh và ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp", ông Huy thông tin.
Đại diện Novaland kiến nghị, UBND TP đẩy nhanh việc xin ý kiến của Chính phủ và các Sở ngành để sớm có giải pháp cho các vướng mắc mà doanh nghiệp đã kiến nghị từ tháng 12/2018. Đồng thời, kiến nghị UBND TP sớm có văn bản chính thức về việc tạm dừng cấp quyền sử dụng đất cho 7 dự án của Novaland tại quận Phú Nhuận; xem xét và sớm phê duyệt giá thành tiền sử dụng đất của 10 dự án mà Novaland đã nộp hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất ở sở Tài nguyên và Môi trường.