Khẩu vị mới của ‘cá mập’ Dragon Capital trong cuộc đại cơ cấu danh mục
Cổ phiếu phân bón, hóa chất, dầu khí được gom hàng nghìn tỷ đồng trong quý II
Với đầu tư, hoạt động cơ cấu danh mục thường xuyên diễn ra. Để đạt được hiệu suất tốt, các quỹ đầu tư phải đưa ra các quyết định loại bỏ cổ phiếu không còn đáp ứng tiêu chí, đã đến điểm chốt lời hay mua vào những mã còn nhiều tiềm năng.
Trên lý thuyết là vậy, song hoạt động cơ cấu danh mục của những quỹ đầu tư lớn không mấy dễ dàng. Khác với các quỹ đầu tư chỉ số như ETF, các quỹ chủ động phải mua vào bán ra những mã cổ phiếu với khối lượng lớn.
Quy mô giao dịch khủng sẽ tác động mạnh đến cung cầu trực tiếp cổ phiếu trên thị trường. Bởi vậy, mỗi giai đoạn đảo danh mục của quỹ lại thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Sau hai năm thăng hoa, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 4. VN-Index lao dốc nhanh từ vùng trên 1.500 điểm xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm, tác động tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Những phiên giảm sâu tăng sốc tác động không nhỏ lên tâm lý nhà đầu tư. Đi qua thời mua bán dễ dàng có lợi nhuận, những cá nhân tỏ ra chán nản với kênh đầu tư này, thậm chí muốn rời bỏ thị trường. Đáng nói đây là bộ phận chiếm tỷ trọng trên 80% thanh khoản của thị trường và vừa gia nhập cách đây không lâu.
Còn với những “cá mập”, các quỹ vẫn phải tìm ra phương án cơ cấu danh mục đầu tư để đạt kết quả tốt nhất. Hai nhóm cổ phiếu hút vốn ngoại mạnh nhất giai đoạn qua là rổ VN-Diamond (PNJ, MWG, FPT…) thông qua DCVFM VN Diamond ETF và các mã nhóm phân bón, hóa chất, dầu khí.
Dragon Capital đại cơ cấu danh mục
Cổ phiếu phân bón, hóa chất, dầu khí trở thành khẩu vị mới của quỹ ngoại trên thị trường. Xu hướng dòng tiền vào nhóm này biểu hiện rõ nét qua động thái cơ cấu danh mục đầu tư của nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý. Những cái tên mới xuất hiện trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất khi những bluechip quen thuộc bị bán ra hạ tỷ trọng như HPG, VIC, SSI...
Theo dõi hai năm trở lại đây, gần đây nhất nhóm Dragon Capital mạnh tay cơ cấu danh mục vào tháng 5/2020 khi dịch COVID-19 bùng nổ và tháng 7/2021 trong làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam. Và giai đoạn này là một cuộc đại cải tổ của nhóm quỹ này.
Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý liên tục bán ròng cổ phiếu, đưa tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tại ngày 19/5, quỹ lớn nhất thị trường này nắm giữ 184,5 triệu USD (4.288 tỷ đồng), tương đương 8,71% danh mục.
Tương tự như những lần trước đó, VEIL sớm giải ngân trở lại thị trường khi tỷ trọng tiền mặt vượt ngưỡng 5%. Thống kê trong khoảng thời gian từ ngày 19/5 đến ngày 16/6, quỹ lớn nhất thị trường giải ngân hơn 170 triệu USD (3.950 tỷ đồng). Tại ngày 16/6, tỷ trọng tiền mặt của quỹ giảm xuống còn 0,66%, tương đương hơn 14 triệu USD. Đây là lượng tiền mặt thấp nhất trong vòng 2 năm.
Cụ thể, nhóm quỹ Dragon liên tục mua vào DGC và DPM trong quý II và trở thành cổ đông lớn. Tại ngày 16/6, mã DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đứng thứ 7 trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL với tỷ trọng 4,13%, cao hơn nhiều bluechip như VCB, TCB, DXG, VIC.
Không riêng VEIL, cổ phiếu DGC nằm trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất của nhiều quỹ thành viên nhóm Dragon Capital như Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF), CTBC Vietnam Equity Fund, CTBC Vietnam Equity Fund. Báo cáo gần đây nhất, tại ngày 16/6, Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) có quy mô hơn 311 triệu USD phân bổ 6,07% tài sản vào mã DGC, đứng thứ 4 trong danh mục.
Cùng với nhóm Dragon Capital, DGC cũng lọt mắt xanh một quỹ mới đến từ Đài Loan là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund do VinaCapital tư vấn. Tại ngày 31/5, tỷ trọng của mã này đứng thứ ba trong danh mục với 5,73%.
Bên cạnh DGC, đại diện ngành phân bón là DPM cũng được nhóm Dragon Capital gom vào. Báo cáo tại ngày 22/6, nhóm quỹ sở hữu hơn 21,4 triệu cổ phiếu DPM, tương đương 6,16% vốn của TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Trong ngày 20/6, VEIL mua thêm 700.000 cp DPM, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 4,2 triệu. CTBC Vietnam Equity Fund cũng đang cầm 10,1 triệu cổ phiếu DPM.
Ngoài DGC và DPM, hai đại diện nhóm dầu khí và phân bón là BSR và DCM liên tục được khối ngoại mua vào trong tháng 5 và 6. Riêng với DCM, cổ phiếu này trở thành tâm điểm của dòng tiền ngoại nhiều tháng qua.
Ước tính đến phiên 29/6, khối ngoại mua ròng hơn 183 tỷ đồng cổ phiếu DCM và 819,3 tỷ đồng với cổ phiếu BSR. Tính từ đầu quý II, khối ngoại gom trên 1.000 tỷ đồng hai cổ phiếu DPM và BSR, lần lượt là 1.457 tỷ đồng và 1.077 tỷ đồng. Giá trị mua ròng DCM và DGC cũng đạt 347,2 tỷ đồng và 336,3 tỷ đồng.
DGC và DPM đã được Dragon Capital công bố thông tin trở thành cổ đông lớn. Còn với BSR và DCM, theo nguồn tin riêng, đây cũng là hai cổ phiếu được nhóm quỹ mua mạnh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cụ thể là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số khi chưa thuộc diện công bố thông tin cổ đông lớn.