Khát vốn, Nhà thầu Xây dựng hạ tầng CII lên niêm yết
|
Năm 2013, CII E&C trở thành công ty con của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và đổi tên như hiện tại. Năm 2014, vốn điều lệ của CII E&C tăng từ mức 140 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, CII nắm giữ 99,54% vốn điều lệ CII E&C.
CII E&C là nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông (đường bộ, đường hầm, cầu…), hạ tầng nước (nhà máy cấp nước, trạm xử lý nước thải, đường ống cấp nước,…), hạ tầng công nghiệp (nhà xưởng, đường sá trong khu công nghiệp,…). Các dự án gắn liền với tên tuổi của CII E&C như: Dự án Cầu Sài Gòn 2, Tuyến tránh Quốc lộ 1A Phan Rang - Tháp Chàm, Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, Thủ Thiêm Lake View 1…
Lên sàn
Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ bất thường ngày 25/11/2016 thông qua, năm 2017 CII E&C sẽ niêm yết toàn bộ cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên (ESOP), số lượng CP lưu hành của CII E&C sẽ đạt mức 41,15 triệu đơn vị.
Theo lãnh đạo CII E&C, việc niêm yết cổ phiếu ngoài mục đích tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ giúp Công ty có thể tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn.
Trên thực tế, việc niêm yết không chỉ giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc phát hành thêm cổ phiếu, huy động vốn từ công chúng, mà còn giúp minh bạch hóa thông tin, từ đó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu thuận lợi hơn. Với một nhà thầu lớn như CII E&C, năng lực tài chính sẽ hỗ trợ đắc lực cho Công ty trong quá trình hoạt động kinh doanh, tham gia đấu thầu các dự án lớn. Mở rộng hoạt động là mục đích không của riêng doanh nghiệp nào.
CII đắc lợi
Đối tượng hưởng lợi đầu tiên trong việc đưa CII E&C lên sàn chứng khoán chính là CII với việc gặt hái lợi nhuận trăm tỷ ngay tức thì.
Hiện tại CII đang nắm giữ gần như toàn bộ cổ phần của CII E&C. Ngay cả khi CII E&C triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2016, thì tỷ lệ pha loãng cũng không đáng là bao. Muốn đáp ứng yêu cầu công ty đại chúng để niêm yết chính thức, CII buộc phải “chia sẻ” cổ phần CII E&C nắm giữ để giảm tỷ lệ sở hữu, tăng số lượng cổ đông phổ thông của CII E&C.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2016 của CII tổ chức ngày 14/12/2016, Công ty sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại CII E&C từ mức 99,54% hiện tại xuống còn 49% bằng cách bán ra cho dưới 100 nhà đầu tư. Với tỷ lệ 49%, CII E&C sẽ trở thành công ty liên kết của CII, không còn là công ty con như trước.
Quý I/2015, CII chuyển nhượng cổ phần và phát hành trái phiếu chuyển đổi với cổ phiếu của công ty con là CII B&R nhưng vẫn tiếp tục giữ CII B&R là công ty con. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương vụ này ước đạt 240 tỷ đồng sau thuế thay vì hạch toán vào kết quả kinh doanh, theo quy định của Thông tư 202/2014/TT-BTC, lại được ghi nhận ở khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số thu nhập bình quân trên mỗi cổ phiếu của Công ty. Lần này, rút kinh nghiệm, CII đã mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu tại CII E&C xuống mức 49% nhằm đảm bảo lợi nhuận thu được từ thương vụ chào bán cổ phần CII E&C sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh.
Ngày 27/12/2016, CII ra thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng 19,48 triệu CP Công ty CII E&C cho 93 nhà đầu tư và giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 49% như kế hoạch. Theo tính toán của Đấu thầu, với giá vốn 10.437 đồng/CP và giá chuyển nhượng 22.000 đồng/CP, thương vụ này có thể mang lại cho CII khoản lợi nhuận trên 220 tỷ đồng, và quan trọng là khoản lợi nhuận này sẽ được hạch toán thẳng vào kết quả kinh doanh năm 2016 của CII. Việc bán cổ phần CII E&C với mức giá khá hời so với giá vốn, theo lãnh đạo CII, là nhờ kế hoạch niêm yết của CII E&C trong thời gian tới.
Như vậy, đối tượng hưởng lợi đầu tiên trong việc đưa CII E&C lên sàn chứng khoán chính là CII với việc gặt hái lợi nhuận trăm tỷ ngay tức thì. CII là một trong những công ty sáng tạo nhất với các sản phẩm tài chính, và thương vụ này cũng không phải ngoại lệ.