'Khát' laptop
"Hiện tại nhu cầu cho phân khúc laptop tầm trung, dưới 15 triệu trở xuống khá cao. Đặc biệt các phân khúc dưới 10 triệu hầu như không có hàng", phía Thế Giới Di Động - đơn vị vận hành chuỗi Điện Máy Xanh, chia sẻ về thực trạng thị trường laptop hiện nay.
Theo khảo sát của người viết, ngoài Thế Giới Di Động, một chuỗi lớn khác như FPT Shop cũng đang căng mình trước sức mua laptop của người dân tăng mấy chục phần trăm so với ngày thường và thường xuyên đạt số lượng đơn đặt hàng kỷ lục theo từng ngày.
Nhu cầu tăng 300%, laptop giá rẻ khan hàng
Mùa tựu trường năm nay đặc biệt hơn các năm trước khi rơi vào đợt dịch kéo dài, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, khai giảng năm học mới cũng triển khai qua online, và đây là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu laptop tăng rất mạnh từ giữa cuối tháng 8 cho đến đầu tháng 9 năm nay.
Trong các ngày đầu tháng 9, hệ thống Thế Giới Di Động ghi nhận số đơn hàng laptop tăng 200% so với cùng kỳ năm trước. Cũng chung tình trạng nhu cầu mua laptop tăng vọt, theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, từ đầu tháng 8, đơn vị này đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng laptop tăng kỷ lục theo ngày và theo tuần. Kết thúc tháng 8, doanh số thực tế laptop bán ra tại FPT Shop đã tăng 60% so với cùng kỳ.
"Cá biệt, những ngày đầu tháng 9, chúng tôi ghi nhận nhu cầu thị trường tăng đột biến cao nhất trong lịch sử bán máy tính và tablet. Chỉ trong 5 ngày từ 1/9 hệ thống FPT Shop ghi nhận doanh thu kỷ lục với hai nhóm hàng laptop và tablet với nhu cầu tăng trên 300% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Kha chia sẻ.
"Tại FPT Shop, tăng trưởng diễn ra trên tất cả các phân khúc giá, do nhu cầu và điều kiện khác nhau của mỗi gia đình. Nhưng phân khúc giá thấp từ 10 triệu đến dưới 20 triệu được ưu tiên với laptop và dưới 6 triệu với tablet. Mức tăng gấp ba lần so với những ngày cùng kỳ đầu tháng 8", ông Kha cho biết thêm.
Trong khi đó tại Thế Giới Di Động đã xuất hiện hiện tượng khan hàng, không có hàng bán ở phân khúc giá dưới 15 triệu, nguyên nhân do bị ảnh hưởng bởi đại dịch các nhà sản xuất không đủ nguyên vật liệu sản xuất cho laptop giá rẻ dưới 15 triệu. Thêm vào đó chi phí vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam tăng 300% đến 500% tuỳ thời điểm.
"Ngoài ra đến hiện tại nhu cầu cho phân khúc tầm trung dưới 15 triệu trở xuống khá cao do năm nay các cấp học sinh tiểu học cũng được học online nên máy tầm trung trở xuống sẽ được săn đón rất nhiều, đặc biệt các phân khúc dưới 10 triệu hầu như không có hàng", phía Thế Giới Di Động thông tin.
Việc thiếu hàng, khan hàng là điều không thể tránh khỏi trước sức mua tăng mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, bất chấp việc Thế Giới Di Động đã có phương án trữ hàng từ tháng 5.
"Trước đó nắm được tình hình khi bắt đầu vào đợt giãn cách và gần như nhập toàn bộ hàng đang có trên thị trường để đón đầu cho một mùa vụ rất đặc biệt như năm nay, đáp ứng được lượng lớn nhu cầu khát hàng tăng đột biến", doanh nghiệp nói.
Thực tế, chia sẻ với người viết, chị Trang (Hà Đông, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1 cho biết việc tìm mua laptop mới trong giai đoạn này là rất khó khăn. "Đặc biệt là các dòng laptop giá rẻ phục vụ cho tụi con nít học bài thì càng hiếm. Cực chẳng đã đến giờ mình vẫn phải cho cu con sử dụng chung laptop với mình. Con học thì mẹ nghỉ", chị Trang nói.
Cùng cảnh ngộ, anh Mạnh Cường (Kim Đồng, Hoàng Mai) nói rằng mặc dù muốn nâng cấp laptop cho con từ lâu nhưng khi tìm mua trên website tại các hệ thống thì liên tục báo hết hàng. "Cuối cùng mình cũng tìm được nơi bán nhưng đợi cả tuần nay chưa thấy máy về. Nhà bán lẻ nói rằng đang ách tắc khâu vận chuyển vì thiếu nhân lực gì đó", anh Cường chia sẻ.
Nhà vận chuyển quá tải
Theo chia sẻ từ Thế Giới Di Động, việc giao hàng tại các tỉnh có chỉ thị 16+ thì phải giao 100% qua nhà vận chuyển chuyên nghiệp, tuân thủ đúng các quy định của cơ quan chức năng và thời gian giao hàng tối thiểu từ 7 ngày đến tối đa 21 ngày.
"Bởi nhà vận chuyển quá tải không đủ nhân sự đáp ứng cho nhu cầu mua sắm laptop nói riêng và các mặt hàng khác nói chung. Tuy nhiên chúng tôi vẫn ưu tiên chọn giao hàng với các đối tác vận chuyển nào nhanh nhất có thể đến tay người tiêu dùng, hoặc có những ưu đãi cộng thêm đối với những khách hàng phải chờ", doanh nghiệp cho biết.
"Đặc biệt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi không thể bán và giao hàng cho học sinh, sinh viên tại các khu vực thực hiện chỉ thị 16 để đáp ứng nhanh cho nhu cầu học tập của học sinh đầu năm học mới. Do đó, chúng tôi đề xuất cho phép các nhà bán lẻ được phép giao hàng cho người tiêu dùng nếu đảm bảo được 5K và tiêm vắc xin một mũi", đại diện siêu thị điện máy nói.
Về phía FPT Shop, công ty cho biết do chuẩn bị từ sớm và tận dụng mối quan hệ đối tác của nhiều thương hiệu laptop nên đến thời điểm hiện tại mặc dù nhu cầu tăng cao song vẫn đảm bảo phục vụ người mua. Công ty cũng liên tục cập nhật các kịch bản và tận dụng mọi cơ hội để giao hàng đến tay người tiêu dùng.
Về phía khách hàng, rơi vào thế bị động như chị Trang hay anh Cường kể trên thì vẫn phải tiếp tục kiên trì chờ đợi. Chờ đơn vị phân phối có hàng, và chờ đơn vị vận chuyển giao hàng tới nơi. Cùng với đó là tìm cách khắc phục như dùng chung laptop, chấp nhận sử dụng máy cũ,... "Đúng là khó như mua hàng mùa dịch", chị Trang chia sẻ.